Đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản
Tập trung tuyên truyền, tập huấn, tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở và chấn chỉnh sai phạm… là những nhiệm vụ thường xuyên của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh trong nỗ lực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Tăng cường giám sát
Ông Chu Đức Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chi cục. Từ đầu năm đến ngày 10-11, chi cục đã thực hiện lấy ngẫu nhiên 190 mẫu sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý để giám sát các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Kết quả cho thấy, có 162 mẫu đạt yêu cầu, 22 mẫu đang chờ kết quả phân tích và 6 mẫu không đạt, chủ yếu vi phạm về chỉ tiêu vi sinh vật (E.Coli và tổng số vi sinh vật hiếu khí) vượt quá mức cho phép. Chi cục đã yêu cầu các cơ sở thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời thực hiện điều tra nguyên nhân. Từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục, chỉ đến khi mẫu thực phẩm giám sát đạt yêu cầu thì cơ sở mới được tiếp tục sản xuất. Điều đáng mừng là năm nay, trong số 12 mẫu giám sát dư lượng các chất độc hại trên thủy sản nuôi (bao gồm 9 mẫu tôm chân trắng và 3 mẫu tôm sú), qua phân tích không phát hiện dư lượng các chất độc hại vượt mức giới hạn tối đa cho phép.
Cùng với kiểm tra, giám sát, từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp với các địa phương tổ chức 4 lớp đào tạo, nâng cao năng lực trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp cho cán bộ phụ trách; tổ chức 13 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh; phối hợp tổ chức treo 400 phướn tại các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chi cục đã tiến hành thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho 347 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, thủy sản và 61 tàu cá từ 15m trở lên. Kết quả, có 404 cơ sở đạt yêu cầu. Chi cục đã yêu cầu 4 cơ sở chưa đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (xếp loại C) tạm ngừng cung cấp thực phẩm ra thị trường, khắc phục các điều kiện chưa đạt để tiến hành thẩm định, đánh giá lại theo quy định.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Cùng với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm đã xây dựng được chuỗi (như: Rau củ, tỏi, sầu riêng, xoài, thịt heo, thịt gà, thủy sản...), chi cục còn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội... để đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn của tỉnh.
Ngoài ra, chi cục còn phối hợp tổ chức Phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 và Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn có 23 gian hàng của 20 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của 2 tỉnh như: Sầu riêng, bưởi da xanh, xoài sấy dẻo, táo, cà phê, trà thảo mộc, tinh bột nghệ, măng rừng... Tại hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất và người tiêu dùng của 2 tỉnh đã trao đổi, thảo luận về tiềm năng, nhu cầu, cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn của 2 tỉnh; đồng thời ký kết các biên bản ghi nhớ tiêu thụ giữa các doanh nghiệp 2 tỉnh và biên bản phối hợp đầu tư, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo chương trình hợp tác giữa 2 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Ông Chu Đức Hùng cho biết, những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã được đảm bảo, ý thức chấp hành của người sản xuất không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, qua công tác quản lý nhà nước cho thấy, vẫn còn không ít cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tương đối nhỏ lẻ, thiếu các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị... nên đã ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh và khuyến khích hoạt động sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng..., chi cục cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, không để xảy ra các trường hợp, sự cố đáng tiếc.
H.Đ