Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa hè

Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, thay đổi nhiệt độ khiến vi sinh vật phát triển mạnh, do đó thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, biến chất, chuyển hóa thành các axit có hại, gây ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm như thương hàn, lị, tiêu chảy do vi rút, viêm gan A, E…

Bệnh tiêu chảy là một trong những bệnh phổ biến vào hè. Bệnh tiêu chảy cấp phần lớn do Rota vi rút gây nên và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh. Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ đi phân lỏng trên 3 lần/ngày, bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng sốt, nôn nhiều, mệt mỏi, đi ngoài toàn phân nước lẫn dịch nhầy. Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, để phòng, chống bệnh tiêu chảy, cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, không ăn đồ ăn có dấu hiệu bị hỏng, ôi thiu. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Hiện nay đã có vắc-xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ từ khi trẻ 1,5 tháng tuổi. Cha mẹ có thể tìm hiểu thông tin và đưa trẻ đến các trung tâm y tế hoặc các phòng tiêm chủng dịch vụ để sử dụng vắc-xin.

Đảm bảo các điều kiện vệ sinh trong bếp khi chế biến thực phẩm.

Đảm bảo các điều kiện vệ sinh trong bếp khi chế biến thực phẩm.

Những phụ nữ thường xuyên làm chủ căn bếp, chuẩn bị những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình thường có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nguyễn Hồng Hà, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) chia sẻ: Nguyên tắc của tôi là giữ sạch bàn tay, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước và sau khi chế biến thực phẩm; vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến. Đồng thời, tôi luôn giữ gìn sạch sẽ khu vực bếp, trang bị các dụng cụ như chạn bát, giá kệ, lồng bàn để phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập; không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, hải sản và các thực phẩm tươi sống khác với các thực phẩm đã qua chế biến; sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín.

Lựa chọn nguyên liệu thực phẩm an toàn là một trong những yếu tố tiên quyết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Phòng nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Một số kỹ năng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn đó là người dân cần chọn rau, củ, quả tươi, mới; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch dưới vòi nước chảy, quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Đối với thịt cần chọn thịt mới mổ, màu sắc tươi, đỏ, không nhợt nhạt, không thâm đen, độ đàn hồi của thịt tốt, không có mùi hôi, không bị nhớt…; thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại thường kém an toàn nên hạn chế sử dụng. Đối với thực phẩm là đồ hộp, khi mua cần kiểm tra nắp có bị lỏng, bị hở, bị thủng hay phồng không, đồ hộp bị gỉ sẽ dễ ngấm chất độc hại vào thức ăn gây hại cho cơ thể. Người dân cũng cần chú ý đến các thông tin về sản phẩm đồ hộp và hạn chế sử dụng để tránh mua phải thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của ngành y tế, cần nấu chín kỹ thức ăn. Các vi sinh vật và ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe thường sống được ở nhiệt độ cao, do đó, khi nấu cần đun chín kỹ hoàn toàn thức ăn, nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đảm bảo luôn đạt trên 70°C. Sau khi chế biến nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng, vì khi đó vi sinh vật và các nguồn gây độc hại chưa kịp xâm nhập thức ăn, hơn nữa, thức ăn nóng hổi luôn mang lại hương vị và cảm giác ngon miệng cho người sử dụng; thức ăn càng để lâu, càng nguy hiểm. Các thức ăn đã được nấu chín cần bảo quản cẩn thận. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn được bảo quản muốn sử dụng lại cần đun kỹ và chỉ đun lại 1 lần, đồng thời, thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại do hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/214213-dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-mua-he