Đảm bảo an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại vật tư đặc biệt, có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt do tiềm ẩn nhiều nguy cơ như cháy nổ, tai nạn, trật tự an toàn xã hội, môi trường… Do đó, cùng với việc đảm bảo an toàn cho người lao động, phương tiện thiết bị và môi trường; công tác quản lý VLNCN luôn được các doanh nghiệp và cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, nghiêm túc nhằm đảm bảo không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

 Kiểm tra định kỳ vật liệu nổ công nghiệp tại Công ty CP Thiên Tân - Ảnh: LA

Kiểm tra định kỳ vật liệu nổ công nghiệp tại Công ty CP Thiên Tân - Ảnh: LA

Ý thức trong việc bảo quản, sử dụng VLNCN đã được nâng lên

Với sản lượng khai thác hằng năm hơn 450.000 m3 đá phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, trung bình mỗi năm Công ty CP Thiên Tân sử dụng hơn 100 tấn thuốc nổ công nghiệp các loại, ngoài ra còn các phụ kiện nổ như kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm… Xác định đây là loại vật tư nguy hiểm, nếu không bảo đảm các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sẽ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, việc thực hiện nghiêm các quy trình trong việc quản lý, sử dụng VLNCN luôn được đơn vị coi trọng hàng đầu. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thiên Tân cho biết, trong quá trình sản xuất, công ty luôn thực hiện tốt các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ khi sử dụng VLNCN; xây dựng kho chứa VLNCN theo đúng quy định của Bộ Công thương; kho chứa thuốc nổ và kho chứa kíp nổ, dây nổ được xây dựng riêng biệt, tách rời nhau; cử cán bộ theo dõi, quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập VLNCN vào kho chứa. Ngoài lực lượng bảo vệ luôn túc trực 24/24 giờ, công ty còn trang bị hệ thống đèn chiếu sáng và camera giám sát kho chứa VLNCN. Khi nhận VLNCN phải ký nhận đầy đủ, vận chuyển đến tận nơi dự kiến nổ mìn bằng xe chuyên dụng. Định kỳ hằng năm phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh), Sở Công thương tổ chức các lớp huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN, phòng chống cháy nổ… cho toàn bộ cán bộ, người lao động làm việc liên quan đến VLNCN; tăng cường công tác kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc, các phân xưởng. Xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động; tổ chức diễn tập các tình huống giả định xảy ra sự cố tại kho chứa VLNCN nhằm trang bị cho cán bộ, người lao động trong đơn vị các kiến thức thức xử lý nhanh nếu có sự cố xảy ra. Nhờ vậy, nhiều năm qua công ty không để xảy ra tai nạn, sự cố liên quan đến VLNCN; không có tình trạng rò rỉ, mất cắp VLNCN, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các kho chứa…

Tại Công ty TNHH Minh Hưng, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động rất cao, do vậy, quy trình đảm bảo an toàn VLNCN luôn được công ty tuân thủ chặt chẽ. Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng Phan Thanh Não cho biết, với số lượng VLNCN sử dụng hằng năm khoảng 15 tấn nên để đảm bảo an toàn, kho chứa VLNCN của công ty được xây dựng, bảo quản đúng quy cách, có đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy; lắp đặt camera giám sát... VLNCN sau khi được kiểm duyệt, đối soát mới được xuất kho, vận chuyển đến công trường. Quá trình nổ mìn đều có phương án rõ ràng, được thực hiện bởi đội nổ mìn đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng, có chứng chỉ sử dụng, nổ mìn. Trên thực địa, chỉ huy nổ mìn trực tiếp giám sát mọi công việc, ra tín hiệu, phân công vị trí người cảnh giới; khi nạp mìn đều cắm cờ cảnh báo; kết thúc nổ đều tiến hành kiểm tra thực địa, nếu mìn không nổ sẽ có phương án thu hồi, lập biên bản kết thúc quá trình nổ.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 đơn vị được cấp giấy phép sử dụng VLNCN để khai thác khoáng sản, thi công công trình và hủy nổ bom mìn, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh vì mục đích nhân đạo. Trong đó Sở Công thương cấp 14 giấp phép (có 2 đơn vị được cấp 2 giấy phép do mỗi đơn vị này được cấp phép khai thác 2 mỏ đá), 2 tổ chức có giấy phép sử dụng VLNCN do Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng cấp. Trong 14 đơn vị này có 3 đơn vị nổ mìn theo hộ chiếu, vận chuyển VLNCN từ nhà cung ứng đến công trình, không xây dựng kho chứa VLNCN; 11 đơn vị có kho chứa VLNCN với tổng công suất kho 68 tấn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị được cấp giấp phép đã sử dụng trên 184.217 kg thuốc nổ công nghiệp các loại, 185.371 kíp nổ và 53.818 m dây nổ các loại. Qua kiểm tra, giám sát, các đơn vị đều sử dụng VLNCN đúng quy trình, mục đích, địa điểm và đảm bảo an toàn như kho chứa VLNCN được thiết kế và xây dựng đảm bảo theo quy định tại QCVN 02:200/BCT của Bộ Công thương; lập đầy đủ hộ chiếu nổ mìn; hồ sơ, sổ sách theo dõi xuất, nhập VLNCN được ghi chép rõ ràng, đầy đủ thông tin. Đa số cán bộ, công nhân lao động làm việc liên quan đến VLNCN đã được đào tạo nghề thợ mìn; huấn luyện kỹ thuật an toàn sử dụng VLNCN, huấn luyện về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và đã được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận theo quy định; trang bị bảo hộ hộ lao động và các phương tiện phòng cháy chữa cháy đầy đủ; tình hình an ninh trật tự đảm bảo. Không để xảy ra tai nạn, sự cố, thất thoát, mất mát VLNCN.

Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý VLNCN, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết, hiện nay theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các tổ chức được Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng VLNCN và giấy phép dịch vụ nổ mìn chỉ cần thông báo bằng văn bản với UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi tiến hành nổ mìn. Các đơn vị này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ nổ mìn, thi công công trình, thời gian thực hiện ngắn; trong khi theo quy định hiện nay thì các cơ quan chức năng chỉ được tiến hành hậu kiểm 1 lần/năm/đơn vị (thông thường là kiểm tra định kỳ vào 6 tháng hoặc cuối năm). Nên nếu các đơn vị nêu trên sử dụng VLNCN vào đầu năm hoặc sau đợt kiểm tra định kỳ 6 tháng thì các cơ quan chức năng phải đợi đến đợt kiểm tra sau mới được tiến hành hậu kiểm; trong khi đó các đơn vị này vẫn tiến hành nổ mìn nhưng các cơ quan chức năng không đánh giá, kiểm soát được những vấn đề an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, mất an toàn, an ninh trật tự, dễn xảy ra thất thoát, mất trộm VLNCN và địa phương phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh đang có 3 tổ chức phi chính phủ nước ngoài gồm Dự án RENEW, Dự án MAG và Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh vì mục đích nhân đạo nhưng hiện tại luật và các văn bản quy phạm pháp luật về VLNCN chưa đưa các tổ chức này vào văn bản để quản lý và hướng dẫn hồ sơ cấp phép sử dụng VLNCN để hủy nổ bom mìn, vật liệu chưa nổ. “VLNCN là loại vật tư công nghiệp có yêu cầu an toàn nghiêm ngặt, liên quan trực tiếp đến các vấn đề như: cháy nổ, trật tự an toàn xã hội, tai nạn và sự cố môi trường, nên để quản lý chặt chẽ, trong thời gian tới Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Về phía các đơn vị được cấp phép sử dụng VLNCN, cần thực hiện tốt các biện pháp trong sử dụng, vận chuyển, bảo quản VLNCN; đảm bảo an toàn trong sử dụng và chống thất thoát VLNCN. Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý VLNCN, Sở Công thương đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công thương để có biện pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lê An - Nguyễn Sơn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=151380