Đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt
Năm qua, với sự hoạt động tích cực của các ngân hàng trên địa bàn, chương trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng đạt hiệu quả rõ rệt. Trong đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên thông dụng với người dân.
Dần trở nên thông dụng
Sáng cuối tuần, sau buổi tập thể dục trên bãi biển, chị Lê Bảo Trang (đường 2 tháng 4, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) tranh thủ ghé chợ Vĩnh Hải để mua thực phẩm cho gia đình. Tuy không mang theo nhiều tiền mặt khi đi tập thể dục nhưng chị Trang vẫn tự tin mua sắm hàng hóa, bởi từ lâu chị đã có thói quen thanh toán bằng chuyển khoản. “Trước đây, mỗi khi tôi muốn chuyển khoản, người bán hàng còn chút ngần ngại. Hiện nay, việc này đã rất thông dụng. Họ còn in sẵn mã QR để khách hàng chuyển khoản cho nhanh, thuận tiện cho cả người bán và người mua”, chị Trang nói.
Tại một chương trình đào tạo chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức vào cuối năm 2023, tất cả các gian hàng trưng bày đều ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đại diện một công ty chế biến nông sản tại huyện Cam Lâm cho biết, xu hướng khách hàng thanh toán qua mã QR ngày càng phổ biến, thậm chí mua một sản phẩm giá chỉ vài chục ngàn đồng cũng chuyển khoản. Việc làm này có lợi cho cả đôi bên, khách hàng không cần dùng đến tiền mặt và công ty cũng rất thuận lợi cho công tác quản lý tài chính.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 7,4 triệu món, tăng 67,67% so với năm 2022; doanh số thanh toán đạt 62.914 tỷ đồng, giảm 30,56%. Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 103,92 triệu món, tăng 99,37% so với năm 2022, với doanh số đạt 737.325 tỷ đồng, tăng 189%. Tổng số giao dịch qua ATM đạt hơn 13,85 triệu giao dịch, tăng 12,79% so với năm 2022; giá trị giao dịch đạt 38.385 tỷ đồng, tăng 12,61%. Có gần 2,34 triệu giao dịch qua thiết bị POS, tăng 14,06% so với năm 2022; giá trị đạt 5.258 tỷ đồng, tăng 35,48%. Trong đó, giao dịch chuyển khoản như: Thanh toán hóa đơn, chi trả mua hàng hóa dịch vụ chiếm 99,8% trên tổng số món và chiếm 98,05% giá trị giao dịch nội địa.
Những con số “biết nói” cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử có mức tăng trưởng cao và ngày càng trở nên phổ biến với mọi người dân. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí thủ tục hành chính, khai và nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điện, nước... qua tài khoản ngân hàng đảm bảo an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian.
Bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ
Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành Ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra một thách thức lớn cho vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Thời gian qua, trên cả nước nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng đã có nhiều đối tượng dùng các chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng để đánh cắp thông tin, mã xác thực OTP nhằm thực hiện hành vi lấy cắp tiền trong tài khoản của khách hàng.
Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, bên cạnh việc cảnh báo người dân nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, NHNN và các tổ chức tín dụng cũng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, NHNN đã ban hành Quyết định 2345 ngày 18-12-2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Tại quyết định này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet. Cụ thể, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản hoặc chuyển tiền giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên phải được xác thực bằng sinh trắc học… Một số tổ chức tín dụng lo ngại gặp khó khăn trong thực hiện quy định tại quyết định này. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của NHNN là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Do đó, các tổ chức tín dụng phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng.
Quyết định 2345 quy định thời hạn áp dụng từ ngày 1-7-2024 mới đưa vào áp dụng nên các tổ chức tín dụng có đủ thời gian nghiên cứu, trang bị, mua sắm các phương tiện cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
MAI HOÀNG