Đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình đập, hồ trên địa bàn

Thủy lợi có vai trò vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Trước sự khắc nghiệt của thời tiết và biến đổi khí hậu khiến cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng ngày càng lớn, công tác chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn hồ đập trước, trong mùa mưa lũ luôn được quan tâm. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lê Quang Lam để hiểu rõ hơn về nội dung này.

- Thưa ông! Mặc dù địa bàn Quảng Trị đã có mưa lũ đầu mùa nhưng chưa phải trên diện rộng, chỉ tập trung ở lưu vực sông Thạch Hãn. Ông có thể cho biết hiện lượng nước được trữ trong các hồ đập thủy lợi đạt bao nhiêu phần trăm dung tích thiết kế và dự báo năm nay tình hình thời tiết mưa lũ như thế nào?

- Đến thời điểm hiện nay, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến đạt từ 53- 59% so với trung bình nhiều năm (chỉ có Khe Sanh đạt 87%), một số vùng lượng mưa rất thấp như: Cửa Việt đạt 53%, Thạch Hãn 53,4%, Đông Hà 55,0%, Gia Vòng 59%. Lượng nước ở các hồ chứa thủy lợi mới đạt gần 50% so với thiết kế, trong đó một số hồ chứa lớn đạt ở mức thấp như: La Ngà 39,5%, Bảo Đài 37,9%, Trúc Kinh 52,3%, Nghĩa Hy 37,9%, Ái Tử 40,2%...

Dự báo trong tháng 10 này tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 20- 40%; tháng 11 và tháng 12 xấp xỉ TBNN. Từ nay đến cuối năm 2019, có từ 1 đến 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nước ta, trọng điểm là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

- Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp khó lường, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với các nhà máy thủy điện trên địa bàn như thế nào trong việc vận hành và điều tiết nước để đảm bảo khi có lũ lớn xảy ra?

- Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 8 công trình thủy điện đang đi vào hoạt động, trong đó có công trình Thủy lợi-Thủy điện Quảng Trị tham gia điều tiết, cắt lũ hạ du trong mùa lũ chính vụ. Các công trình thủy điện còn lại chủ yếu là lấy lưu lượng cơ bản để vận hành, không tham gia cắt lũ cho hạ du. Đối với công trình Thủy lợi-Thủy điện Quảng Trị, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo việc trữ nước và thực hiện điều tiết hồ chứa luôn giữ ở cao trình +476,16 m (dự trữ 30 triệu m3 để phòng lũ) cho đến khi kết thúc thời kì lũ chính vụ (5/11 hằng năm) mới tiếp tục tích nước đạt dung tích thiết kế, nhằm điều tiết, giảm lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Đối với các công trình thủy điện còn lại, Chi cục triển khai ngay các phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ. Cố gắng cao nhất nếu khi có thể xảy ra lũ lớn thì giảm thiểu được thiệt hại cho nhân dân.

- Thời điểm hiện tại bắt đầu vào mùa mưa lũ. Một nội dung quan trọng nhất luôn được ngành quan tâm đó là an toàn hồ đập trước, trong mùa mưa lũ. Đề nghị ông cho biết về tình hình an toàn hồ đập ở tỉnh Quảng Trị hiện nay?

- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 131 hồ chứa nước, trong đó có 130 hồ chứa thủy lợi (có 13 hồ chứa nước lớn, 35 hồ chứa nước vừa và 82 hồ chứa nước nhỏ) và 1 hồ chứa nước Thủy lợi-Thủy điện. Các hồ chứa được phân cấp quản lí như sau: Công ty Thủy điện Quảng Trị quản lí hồ Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị; Công ty TNHH MTV Quản lí, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị quản lí 16 hồ chứa; các địa phương quản lí 114 hồ chứa nước.

 Nạo vét kênh dẫn nước hồ La Ngà ở Vĩnh Linh. Ảnh: TTL

Nạo vét kênh dẫn nước hồ La Ngà ở Vĩnh Linh. Ảnh: TTL

Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ (chủ yếu do địa phương quản lí) đã được xây dựng từ nhiều năm trước, trong điều kiện thiếu kinh phí, số liệu tính toán và kinh nghiệm thiết kế, kĩ thuật thi công còn nhiều hạn chế, chủ yếu là đập đất, thi công bằng thủ công, hiện đã hư hỏng nhiều, xuống cấp. Cùng với đó là tình hình mưa, lũ ngày càng có nhiều diễn biễn phức tạp, cực đoan thì các hồ đập này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn lớn.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn các công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhất là trước mùa mưa lũ năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ công việc chủ yếu sau:

Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình nhằm phát hiện, xử lí, khắc phục kịp thời hư hỏng ở các bộ phận, hạng mục công trình. Đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn phải có phương án tích nước hợp lí, hoặc không tích nước; thực hiện theo dõi, quan trắc thường xuyên trong quá trình tích nước.

Kiểm tra, giám sát các chủ quản lí công trình thực hiện việc vận hành các công trình thủy lợi theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt. Đối với các công trình chưa có quy trình vận hành thì xây dựng quy trình tạm thời để thực hiện.

Chỉ đạo các chủ quản lí công trình thủy lợi rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án đảm bảo an toàn hạ du (phương án ứng phó với thiên tai) đã được UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện khi có sự cố xảy ra. Đối với các công trình chưa có phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp thì tập trung xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước mùa mưa lũ năm 2019.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lí an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó quy định yêu cầu thực hiện đầy đủ các nội dung nhằm phục vụ cho công tác quản lí, khai thác, vận hành công trình đảm bảo nguyên tắc an toàn công trình hồ, đập là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lí, khai thác như thực hiện quy trình vận hành, quy trình vận hành cửa van, kiểm định an toàn đập, phương án ứng phó, bảo vệ, cắm mốc chỉ giới...

Với số lượng hồ, đập hiện đang vận hành, khai thác và yêu cầu thực hiện là rất lớn, trong lúc đó nguồn kinh phí để bố trí thực hiện khó khăn. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 39 hồ chứa nước đã bị hư hỏng chưa được nâng cấp, sửa chữa, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ là rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho những công trình hồ đập hiện đang sử dụng, bên cạnh việc thực hiện các quy trình trong quản lí, vận hành, khai thác nhằm đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ, thì trong năm 2020 và những năm tiếp theo, đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện nâng cấp các công trình hư hỏng. Bên cạnh đó cần tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện nâng cấp, sửa chữa cũng như triển khai một số nội dung được quy định tại Nghị định 114 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh.

- Vậy tỉnh Quảng Trị cần đầu tư xây dựng thêm các công trình hồ đập nào để phục vụ ngày càng tốt hơn nữa cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nhân dân?

- Hệ thống các công trình hồ, đập trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản đã được đầu tư xây dựng theo định hướng quy hoạch (từ giai đoạn tỉnh Bình Trị Thiên) và bổ sung quy hoạch sau này cơ bản hoàn chỉnh, được phân bố tương đối đồng bộ, trải dài trên địa bàn tỉnh. Để phục vụ ngày càng tốt hơn nữa theo định hướng phục vụ đa mục tiêu thì trong thời gian đến tỉnh cần nghiên cứu đầu tư nâng cấp (đặc biệt là các hồ đã bị xuống cấp), đồng thời đầu tư nâng cấp 811km kênh mương để phục vụ chuyển nước hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu để đưa vào quy hoạch các hồ, đập tiềm năng mới; tập trung phối hợp với các lĩnh vực khác trong ngành nghiên cứu các vùng sản xuất để phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143175