Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa du lịch
Để tạo nên thành công của một mùa du lịch, bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, quản lý giá cả thì vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lòng tin, cũng như ấn tượng tốt đối với khách du lịch. Do đó, để đảm bảo cho du khách có những ngày nghỉ trọn vẹn, TP Sầm Sơn quan tâm, chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo công tác VSATTP.
Kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng.
Hàng năm, vào thời gian cao điểm, mỗi ngày cơ sở kinh doanh hải sản Quy Sơn (TP Sầm Sơn) cung cấp từ 5 đến 6 tấn thủy, hải sản cho các nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn. Chuẩn bị cho mùa du lịch biển năm nay, chủ cơ sở đã chủ động khảo sát, ký hợp đồng cung ứng với các đơn vị, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Sầm Sơn và các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa để đảm bảo nguồn hàng tươi sống, an toàn, phục vụ du khách.
Ông Cao Đăng Quy, chủ cơ sở kinh doanh hải sản Quy Sơn, cho biết: Không chỉ mùa du lịch mà tất cả thời điểm trong năm, công tác bảo đảm VSATTP luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ. Để có được hải sản tươi ngon, nguồn gốc rõ ràng, đơn vị đã liên kết với các chủ mối hàng uy tín. Cùng với đó, khâu chế biến cũng được thực hiện các quy trình về việc lấy mẫu, lưu mẫu đồ ăn theo đúng quy định.
Tại Chợ Cột Đỏ - nơi cung cấp khối lượng lớn thực phẩm cho thành phố; hoạt động kinh doanh từ lâu cũng đã đi vào nền nếp; đảm bảo tiêu chí an toàn. Đây không chỉ là đầu mối cung cấp thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh mà còn là nơi du khách tham quan, mua hàng. Chính vì vậy, ngoài việc tự giác thực hiện các quy định về kinh doanh, các tiểu thương còn thường xuyên được tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Sầm Sơn hiện có trên 650 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, để đảm bảo công tác VSATTP, thành phố đã ban hành kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý theo kế hoạch kiểm tra liên ngành ATTP trên địa bàn thành phố được ban hành, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh, thành phố; đoàn kiểm tra có đầy đủ thành phần, chuyên môn và đúng thẩm quyền, chuẩn bị các văn bản liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao nhận thức, kiến thức, thực hành đúng về ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền đến cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể xã hội và toàn thể Nhân dân cùng chung tay, góp sức sản xuất, kinh doanh thực phẩm chất lượng, an toàn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, kết nối sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, để các hoạt động kinh doanh, dịch vụ diễn ra an toàn, hiệu quả, đảm bảo văn minh du lịch, UBND TP Sầm Sơn đã xây dựng các phương án quản lý, quy định cụ thể những việc được làm, những việc không được làm; trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ánh những bất cập trong hoạt động du lịch đến cơ quan chức năng... nhằm góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Sầm Sơn văn minh, thân thiện đối với du khách. Theo đó, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, phải có địa điểm đảm bảo để sản xuất, chế biến; cống rãnh thoát nước không được ứ đọng; bố trí nơi thu gom, xử lý chất thải đúng nơi quy định và có nắp đậy, che kín; phải có trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phòng chống côn trùng và động vật gây hại phù hợp. Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, có sổ và tủ lưu mẫu thức ăn riêng biệt theo đúng quy định. Đối với người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm phải đội mũ, đeo khẩu trang; cắt ngắn móng tay; không được đeo đồng hồ, vòng, lắc, ăn uống, khạc nhổ, hút thuốc trong khu vực sản xuất, chế biến thực phẩm; không sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trái quy định...
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Sầm Sơn, cho biết: Xác định bảo đảm VSATTP là một trong những tiêu chí kinh doanh, để thu hút du khách về với biển Sầm Sơn, ngay từ đầu năm 2022, trung tâm phối hợp tập huấn cho các cơ sở nhà hàng, khách sạn phục vụ ăn uống, các quán ăn đường phố, các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra các cơ sở về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (cơ sở thuộc diện phải cấp giấy đủ điều kiện ATTP), hồ sơ khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, danh sách đáp ứng kiến thức ATTP của người tiếp xúc với thực phẩm; có đầy đủ hồ sơ nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, hồ sơ nguồn nước sản xuất dùng để chế biến, sổ kiểm thực 3 bước... Thời gian tới, trung tâm y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm; thành lập các tổ giám sát để tăng cường công tác giám sát VSATTP. Đồng thời hướng dẫn cho các chủ nhà hàng, khách sạn thực hiện tốt các quy định về VSATTP như khám sức khỏe, cập nhật kiến thức VSATTP...