Đảm bảo các tiêu chí tiết kiệm, an toàn và minh bạch
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, điểm nổi bật của hóa đơn điện tử là giúp giảm chi phí in ấn, chi phí bảo quản. Đồng thời, loại hình này tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ vì có thể dễ dàng tra cứu tính pháp lý của hóa đơn điện tử do người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cung cấp.
PV: Hóa đơn điện tử là vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp, người nôp thuế rất quan tâm. Lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại là rất lớn. Là người trực tiếp triển khai hóa đơn điện tử của ngành Thuế, ông có thể nói rõ hơn những lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại đối với người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế?
Ông Phạm Quang Toàn: Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/7/2022 bắt buộc tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Trên cơ sở đó, ngành Thuế đặt ra mục tiêu triển khai áp dụng thành công HĐĐT là một nội dung quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ; đồng thời sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới. Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC làm căn cứ triển khai hệ thống HĐĐT trên phạm vi toàn quốc.
Ông Phạm Quang Toàn
Có thể thấy, những lợi ích nổi bật của việc triển khai HĐĐT mà các tổ chức, DN, cá nhân mua, bán hàng hóa, dịch vụ được thụ hưởng; đó là: Người mua hàng hóa dễ dàng tra cứu và đối chiếu được HĐĐT do người bán hàng cung cấp. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng HĐĐT giúp giảm nhiều chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy (như giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Việc thực hiện đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp, người nộp thuế sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh được thuận lợi. Việc sử dụng HĐĐT cũng khắc phục triệt để một số rủi ro của hóa đơn giấy truyền thống như mất, hỏng, cháy.
Bên cạnh đó, việc sử dụng HĐĐT cũng tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Bởi vì sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.
Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng HĐĐT giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Nguồn: Thông tư số 78/2021/TT-TBC
PV: Thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp lo lắng về tính an toàn của HĐĐT. Ngành Thuế có giải pháp gì để chống HĐĐT giả, dữ liệu bị tẩy xóa, giả mạo và nâng cao tính bảo mật?
Ông Phạm Quang Toàn: Trước hết phải khẳng định, HĐĐT không những tiện lợi mà có tính bảo mật và an toàn cao. Cụ thể HĐĐT được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng. Cơ quan thuế có thể dễ dàng phát hiện và xử lý ngay tình trạng giả mạo hóa đơn điện tử. Mặt khác, toàn bộ dữ liệu HĐĐT đều được gửi đến cơ quan thuế bằng đường truyền kết nối riêng, có cơ chế bảo mật trên đường truyền. Cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử tập trung tại Tổng cục Thuế, để cung cấp các dịch vụ cho người bán và người mua hàng hóa, dịch vụ có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.
Chuyển đổi cách thức phục vụ người dân
Việc triển khai hóa đơn điện tử góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.
Đáng chú ý, dựa trên công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), cơ quan thuế có thể phân tích, đối chiếu thông tin hóa đơn với các thông tin về khai thuế, nộp thuế để có thể phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về sử dụng HĐĐT.
PV: Những quy định mới của HĐĐT sẽ tác động đến hầu hết các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, do đó cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Để chính sách này sớm đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực cho các tổ chức, cá nhân người nộp thuế, theo ông cần có những giải pháp gì?
Ông Phạm Quang Toàn: Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, việc hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng HĐĐT là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã hết sức quan tâm, chỉ đạo. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã gửi thư cho lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ đề nghị chính quyền các địa phương phối hợp trong công tác triển khai.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố thành lập các ban chỉ đạo do một phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban và các thành viên tổ thường trực triển khai gồm đại diện các sở, ban, ngành tại địa phương.
Tổng cục Thuế cũng đã gấp rút triển khai thực hiện các nội dung chuẩn bị triển khai như ban hành quy trình quản lý HĐĐT; ban hành quy định thành phần dữ liệu nghiệp vụ và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế; thông báo tiếp nhận đề nghị đăng tải công khai thông tin hoặc ký hợp đồng truyền nhận với các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT; tập huấn, phổ biến chính sách và tuyên truyền về HĐĐT đến cán bộ thuế. Có thể nói, việc triển khai HĐĐT là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Thuế, giúp đổi mới quản lý hóa đơn theo hướng hiện đại.
PV: Xin cảm ơn ông!