Đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới?

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả sách giáo khoa (SGK) và giáo viên.

Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm
Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, chương trình GDPT mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1. Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, SGK GDPT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13 Luật Giáo dục quy định Chương trình GDPT thể hiện mục tiêu GDPT; quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước;

Quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của GDPT; thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

 Chương trình GDPT mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1.

Chương trình GDPT mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT; ban hành chương trình GDPT sau khi hội đồng Quốc gia thẩm định... (Điều 31). Sách giáo khoa triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; mỗi môn học có một hoặc một SGK, thực hiện việc xã hội hóa việc biên soạn SGK (Điều 32).

Nhận thẩm định SGK lớp 1

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài (Phó trưởng Ban Tổ chức thẩm định SGK theo chương trình GDPT mới, cho biết Bộ GD&ĐT thông báo, từ ngày 1/7 - 15/7, Bộ sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định SGK lớp 1 của các tổ chức, cá nhân.

Đến thời điểm hiện tại, các tác giả, nhà xuất bản đã nhận được thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1 và bắt đầu chuẩn bị các điều kiện theo quy định để gửi bản thảo SGK về Bộ thẩm định.

Còn theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc chuẩn bị thẩm định SGK lớp 1 là sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, có ý nghĩa chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, do đó cần thực hiện thật tốt. Chất lượng của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc thẩm định và lựa chọn ra những bộ SGK chất lượng, từ đó các địa phương thực hiện lựa chọn theo thẩm quyền quy định.

Do đó, phải đảm bảo thành lập được các Hội đồng thật sự chất lượng, uy tín. Các thành viên được lựa chọn tham gia vào đội ngũ này là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có uy tín, vừa có trách nhiệm, đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu ban tổ chức đề ra.

Theo quy định, hội đồng thẩm định sẽ đánh giá và đưa ra 3 loại kết quả là "đạt", "đạt nhưng cần sửa chữa" và "không đạt". Trong đó, việc thông báo kết quả thẩm định SGK với các trường hợp “đạt nhưng cần sửa chữa” được Bộ trưởng GD&ĐT đặc biệt lưu ý, cần chỉ rõ điểm cần hoàn thiện trong bộ sách là gì và có hướng dẫn cụ thể để tác giả, nhà xuất bản điều chỉnh cho phù hợp.

Lộ trình áp dụng chương trình mới sẽ bắt đầu từ lớp 1 (năm học 2020-2021); lớp 2 (năm học 2021-2022); lớp 3, 7, 10 (năm học 2022-2023); lớp 4, 8, 11 (năm học 2023-2024); lớp 5, 9, 12 (năm học 2024-2025).

Lưu Ly

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dam-bao-chat-luong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-347172.html