Đảm bảo chế độ cho cán bộ xã, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng

Đó là 2 vấn đề cử tri xã Tân Hải, thị xã La Gi quan tâm kiến nghị được trả lời tại buổi tiếp xúc giữa bà Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Bình Thuận với cử tri trên địa bàn xã, diễn ra chiều 1/7.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã được nghe báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Thuận trong thời gian diễn ra kỳ họp. Kiến nghị với ĐBQH, cử tri đề nghị có quy định hỗ trợ đối với chức danh Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi cấp xã (hiện chỉ có Chủ tịch mới có phụ cấp); đồng thời tăng chế độ chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát đối với công tác phòng chống tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, tài nguyên, môi trường, đầu tư công; có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu phê duyệt đầu tư các công trình, dự án không mang lại hiệu quả, làm thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Bà Trần Hồng Nguyên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH đơn vị Bình Thuận trả lời kiến nghị cử tri xã Tân Hải.

Cử tri cũng đề nghị địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất nghĩa trang xã, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường những nơi tập trung buôn bán, họp chợ; có biện pháp lâu dài giải quyết dứt điểm việc thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.

Đại diện các ngành, địa phương đã trả lời các vấn đề cử tri nêu. Đối với hoạt động giám sát công tác phòng chống tham nhũng, ĐBQH Trần Hồng Nguyên cho biết, thời gian qua, nhiệm vụ này được Quốc hội tăng cường triển khai bằng nhiều biện pháp. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã quan tâm, dành nhiều thời gian để thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng; lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng tại các phiên chất vấn, thảo luận; giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước hữu quan khác cũng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: đất đai, xây dựng, tài nguyên, môi trường, công tác quản lý tài chính, tài sản công. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được quan tâm.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới sẽ chú trọng nội dung giám sát liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức đoàn giám sát tại các địa phương về việc chấp hành pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện cơ chế để ngăn chặn phát sinh tham nhũng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Đối với chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ĐBQH cho biết hiện nay thực hiện theo quy định của Chính phủ, theo đó người hoạt động không chuyên trách cấp xã hưởng mức phụ cấp bình quân 1,14 lần/người so với mức lương cơ sở. Đồng thời, hưởng trợ cấp bổ sung hàng tháng theo quy định của HĐND tỉnh theo các mức 0,48, 0,28, 0,19 tùy theo tính chất công việc của từng chức danh, đã cao hơn so với quy định của Trung ương. Ngày 10/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó, quy định khoán quỹ phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã bình quân theo từng chức danh là 1,5 lần mức lương cơ sở. Như vậy, theo quy định của Chính phủ thì mức phụ cấp hàng tháng của người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ tăng 0,36 lần so với hiện nay.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dam-bao-che-do-cho-can-bo-xa-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-tham-nhung-120043.html