Đảm bảo chính sách an sinh xã hội và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Những năm qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy và phát huy được tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, từ bi, nhân đạo trong cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình phát triển kinh tế của hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn. Ảnh: C.Định

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình phát triển kinh tế của hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn. Ảnh: C.Định

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

Không có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình chị Cao Thị Liên - hộ đồng bào Raglai ở xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) luôn gặp nhiều khó khăn. Căn nhà tranh, vách đất hơn 10 năm qua gia đình chưa có điều kiện xây sửa. Qua khảo sát, địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình đối ứng 40 triệu đồng, chị Liên đã xây căn nhà mới rộng 60m2, đảm bảo "3 cứng" với 2 phòng ngủ, phòng khách, công trình phụ khép kín. Chị Liên chia sẻ: “Tôi mừng lắm! Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa biết khi nào vợ chồng tôi mới xây được nhà. Căn nhà là động lực để vợ chồng tôi vươn lên thoát nghèo”. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã hỗ trợ 1ha đất sản xuất để giúp gia đình chị Liên canh tác, tạo thu nhập, thoát nghèo bền vững…

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng huyện Khánh Sơn.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng huyện Khánh Sơn.

Không riêng gì gia đình chị Liên, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua rà soát, năm 2024, toàn tỉnh đã giảm được 2.676 hộ nghèo và 3.742 hộ cận nghèo, đưa số hộ nghèo hiện nay còn 4.622 hộ nghèo và 8.915 hộ cận nghèo. Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm được triển khai tốt đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 18.700 người. Các chính sách giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, đáp ứng yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 30.500 người. Bên cạnh đó, các chính sách người có công với cách mạng được thực hiện nghiêm túc, với hơn 5.800 người có công đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ xây mới và sửa chữa 40 căn nhà cho người có công với cách mạng; chính sách dành cho các đối tượng bảo trợ xã hội cũng được thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có 51.561 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng; tỉnh đã dành hơn 127 tỷ đồng để chăm lo, phục vụ đối tượng xã hội vào dịp lễ, Tết…

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho các nữ tu công giáo. Ảnh: Mã Phương

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho các nữ tu công giáo. Ảnh: Mã Phương

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết thực hiện chính sách trợ giúp cho 8 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chưa được Chính phủ quy định. Qua rà soát, có 3.125 đối tượng được thụ hưởng chính sách này; mỗi năm tỉnh sẽ dành gần 21 tỷ đồng để chăm lo. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Đến năm 2030, đảm bảo 100% người có công và thân nhân được chăm lo toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần; 100% gia đình chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định…

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Cùng với đó, những năm qua, hoạt động và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy luôn được đảm bảo. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đều tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, ghi nhận những đóng góp của các cơ sở tôn giáo. Trong cộng đồng dân cư luôn duy trì các lễ hội tín ngưỡng dân gian tốt đẹp như: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, cầu ngư… Các tôn giáo thực hiện chương trình sinh hoạt theo đúng quy định và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, bác ái, bảo vệ môi trường. Các tôn giáo luôn chú trọng tuyên truyền, vận động giáo dân, tín đồ, tín hữu, phật tử chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết lương, giáo. Triển khai chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong năm 2024, Mặt trận các cấp đã xây dựng được hơn 150 mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, đường cờ Tổ quốc, đường hoa…

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Nha Trang. Ảnh: Mã Phương

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Nha Trang. Ảnh: Mã Phương

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, đến nay, các cấp, ngành, Mặt trận đã vận động các tôn giáo, người dân, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ xây mới, sửa chữa 810 căn nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh đã vận động được hơn 27,3 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 455 căn và sửa chữa 43 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; trao 11.380 suất quà, học bổng, hỗ trợ sinh kế… cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân, đồng bào các tôn giáo tham gia hỗ trợ, giúp đỡ cho hơn 32.400 trường hợp đau bệnh, hỗ trợ bếp ăn từ thiện… với số tiền hơn 13,5 tỷ đồng. Nhiều năm qua, Dòng Ngôi lời Bác ái Vinh Sơn Nha Trang nuôi dạy hơn 400 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ; giáo dân ở nhiều xứ đạo đã hỗ trợ xây nhà, làm đường giao thông, cấp thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Phật giáo Hòa Hảo hỗ trợ hơn 100 tấn gạo cho người mù và bào chế thuốc nam giúp chữa bệnh cho người nghèo với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã dành hơn 17 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện xã hội…

Cán bộ xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) thăm hỏi việc hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn.

Cán bộ xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) thăm hỏi việc hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn.

Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và Mặt trận luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, luôn quan tâm, chăm lo đời sống của đồng bào các tôn giáo; tạo điều kiện cho các tôn giáo tu sửa, xây dựng cơ sở thờ tự ngày càng khang trang hơn; đảm bảo an ninh trật tự và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo. Từ đó, các tôn giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động giáo dân, phật tử, tín hữu, tín đồ xây dựng đời sống gia đình thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm. Công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế được các tôn giáo thực hiện bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực.

PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202412/dam-bao-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-va-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-f390358/