Đảm bảo chính sách cho người hưởng chế độ trợ cấp
Tổng số người, gia đình đang hưởng các chính sách trợ cấp, chính sách hỗ trợ tại Đồng Nai hiện khá đông, hơn 357 ngàn người.
Để đảm bảo chế độ cho những trường hợp này, Đồng Nai đã đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực cộng đồng cùng tham gia công tác an sinh xã hội.
Không bỏ sót người hưởng chế độ
Theo Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, tỉnh đặt mục tiêu đảm bảo kịp thời giải quyết các hồ sơ tồn đọng; đồng thời, đảm bảo các chính sách này được triển khai đúng, đủ và không bỏ sót đối tượng.
Cụ thể, Đồng Nai có gần 59 ngàn trường hợp đang hưởng chính sách có công với cách mạng. Tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho những cá nhân, gia đình này với tổng kinh phí hàng năm lên đến trên 290 tỷ đồng. Đồng thời, mỗi năm có từ 800-1.200 trường hợp mới phát sinh; như năm 2023 có 1,2 ngàn hồ sơ mới hưởng chế độ được giải quyết, con số này của năm 2022 là hơn 800 hồ sơ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lân (86 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cho hay, khi về Đồng Nai sinh sống, ông được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho người có công theo quy định. Ngoài ra, trong các dịp lễ, Tết, ông còn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của chính quyền các cấp. Vào tháng 1-2024, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa, phường Long Bình Tân đã đến thăm, chúc Tết gia đình.
“Gia đình cảm thấy rất vui và tự hào vì người có công, gia đình chính sách luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Lân nói.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện trợ cấp thường xuyên cho gần 85,5 ngàn trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi không có người nuôi dưỡng, người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng cùng người nuôi dưỡng, người được nhận chăm sóc ngoài cộng đồng… với tổng kinh phí chi trả mỗi năm lên đến 575,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 12,8 ngàn hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo theo quy định. Đồng thời, có gần 200 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại 24 xã nằm trong danh sách các xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang thụ hưởng các chế độ của Trung ương và của tỉnh.
357,3 ngàn người, gia đình đang hưởng các chính sách trợ cấp, chính sách hỗ trợ tại Đồng Nai, gồm: gần 59 ngàn trường hợp hưởng chính sách có công với cách mạng; 85,5 ngàn người hưởng trợ cấp thường xuyên; 12,8 ngàn hộ nghèo, cận nghèo đang hưởng chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo theo quy định; gần 200 ngàn đồng bào DTTS tại 24 xã nằm trong danh sách các xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang thụ hưởng các chế độ của Trung ương và của tỉnh.
Qua đó, tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện chế độ trợ cấp cho 206 người có uy tín của đồng bào DTTS với mức 800 ngàn đồng/người/tháng. Những năm qua, tỉnh đều thực hiện chế độ hỗ trợ Tết cho hộ nghèo, cận nghèo cũng như học sinh, sinh viên DTTS có hộ khẩu Đồng Nai đang học tập tại các địa phương.
Đặc biệt, để tiếp tục kéo giảm khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, Đồng Nai sẽ bố trí 571 tỷ đồng từ nhiều nguồn để thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ nghề nghiệp trên các lĩnh vực; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục; chăm sóc sức khỏe người DTTS…
Riêng với người cao tuổi, mỗi năm Sở Lao động, thương binh và xã hội phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ngành, địa phương tổ chức chúc thọ, tặng quà. Riêng năm 2023 và đầu năm 2024, đơn vị đã tổ chức đoàn thăm, trao thiệp chúc thọ của Chủ tịch nước cho 152 cụ thọ 100 tuổi trở lên tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, có gần 1,8 ngàn người cao tuổi thọ 90 tuổi trong tỉnh được tổ chức mừng thọ, tặng giấy mừng thọ của Chủ tịch UBND tỉnh.
Huy động nguồn lực cộng đồng
Cùng với đảm bảo đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách của Nhà nước, thời gian qua, tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để chăm lo cho người có công, gia đình chính sách có công, người nằm trong nhóm bảo trợ xã hội, đồng bào DTTS…
Sở Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Tim Tâm Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức khám sàng lọc tim cho trẻ em, hỗ trợ sữa cho trẻ có mẹ bị nhiễm HIV/AIDS.
Ngoài ra, việc kết nối các mạnh thường quân trong cũng như ngoài nước, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trợ giúp cho các trường hợp khó khăn cũng được tỉnh chú trọng thực hiện. Như vừa qua, Sở Lao động, thương binh và xã hội phối hợp cùng Tổ chức Holt International Children’s Services triển khai gói tài trợ hơn 1,6 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị bỏ rơi, mất đi mái ấm gia đình. Còn Tổ chức Christina Noble Children’s Foundation tài trợ 549 triệu đồng để thực hiện việc hỗ trợ chi phí học tập, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, giúp các em yên tâm học tập, giảm nguy cơ bỏ học.
Toàn tỉnh hiện có hơn 12 ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đang được vay vốn chính sách với số tiền 115,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Khang cho biết thêm, năm 2023, thông qua kết nối của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán phối hợp xây dựng 7 căn nhà hữu nghị cho đồng bào DTTS tại xã Thanh Sơn. Tổng kinh phí xây dựng là 432 triệu đồng, do Tổ chức Les Enfants du Dragon (LEDD/ Pháp) tài trợ. Đến tháng 4-2024, tổ chức này tiếp tục tài trợ 700 triệu đồng để xây dựng thêm 10 căn nhà cho đồng bào DTTS tại Đồng Nai. Đây là tín hiệu vui không chỉ với đồng bào được hỗ trợ xây nhà ở, mà qua đó cho thấy việc kêu gọi nguồn lực xã hội chung tay thực hiện hoạt động an sinh xã hội của tỉnh đang phát huy hiệu quả tích cực.
Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho trên 3,5 ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí gần 2,1 tỷ đồng để phẫu thuật tim cho trẻ em, tặng quà vào dịp lễ, Tết, tặng học bổng cho học sinh hiếu học, vượt khó, biết vươn lên…
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, thực hiện Cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, thông qua sự vận động, kết nối của hội chữ thập đỏ các cấp đã có 1,24 ngàn tập thể, cá nhân giúp đỡ cho 1,4 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn. Những hoàn cảnh này là người khuyết tật mất khả năng tự chủ, người già neo đơn, trẻ mồ côi… Mỗi năm, tổng trị giá mà những người khó khăn được trợ giúp đạt gần 4,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, để kịp thời trợ giúp người khó khăn đột xuất, người bị tai nạn giao thông, từ nguyện vọng của bà con mà ban công tác Mặt trận các ấp, khu phố trong tỉnh còn xây dựng nên những mô hình an sinh xã hội để kịp thời trợ giúp người dân.
Như tại huyện Trảng Bom, các khu dân cư, chính quyền địa phương chủ động rà soát và cấp gần 3,2 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc chưa tham gia bảo hiểm y tế. Qua đó góp phần giúp đồng bào có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe.