Đảm bảo công bằng cho các ứng viên trong vận động bầu cử
Cùng với cả nước, tỉnh Hà Nam đang tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam.
PV: Thưa ông, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam vừa hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ông có thể thông tin về kết quả của Hội nghị hiệp thương lần thứ ba vừa qua?
Ông Nguyễn Đức Hiếu: Đến ngày 18/4, toàn tỉnh Hà Nam đã hoàn thành công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban MTTQ tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu 8 người ứng cử ĐBQH khóa XV, cùng với 2 người của Trung ương giới thiệu về, để bầu 6 ĐBQH. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh cũng hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu 84 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu 50 đại biểu.
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban MTTQ cấp huyện đã lựa chọn, giới thiệu 329 người ứng cử đại biểu HĐND để bầu 201 đại biểu. Đối với cấp xã, giới thiệu 4.523 người ứng cử đại biểu HĐND để bầu 2.708 đại biểu. Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã bàn giao hồ sơ và danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Từ kết quả của ba vòng hiệp thương, ông có thể đánh giá khái quát về công tác tổ chức và chất lượng nhân sự được giới thiệu ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh?
-Xác định công tác bầu cử là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, MTTQ các cấp trong tỉnh đã nghiêm túc quán triệt sâu sắc chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, bám sát các quy định của luật để xác định rõ các nội dung, phần việc của công tác Mặt trận tham gia bầu cử.
Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm dân chủ, công khai, đúng luật, cơ cấu, thành phần và số lượng theo quy định, tỷ lệ người ứng cử là nữ, ngoài Đảng, trẻ tuổi đều đạt cao so với quy định. Đặc biệt, những người được giới thiệu đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều có chất lượng ngày càng cao.
Theo kế hoạch, sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, những người ứng cử sẽ thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại Mặt trận tỉnh Hà Nam đã có những bước chuẩn bị như thế nào để các ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử?
-Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì phối hợp với UBND tỉnh ban hành kế hoạch liên tịch về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện vận động bầu cử; đồng thời hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.
Từ ngày 29/4, tỉnh Hà Nam triển khai kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh tới UBND, Ủy ban Bầu cử, các ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp và những ứng cử viên. Song song với đó Mặt trận cũng tổ chức tập huấn cho những người ứng cử lần đầu về cách thức xây dựng và trình bày chương trình hành động trước hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.
Các hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sẽ được tổ chức từ ngày 4/5 đến trước 7 giờ ngày 22/5. Mỗi người ứng cử ĐBQH tiếp xúc cử tri 10 cuộc, ứng cử đại biểu HĐND tỉnh 5 cuộc, ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện 3 cuộc, ứng cử đại biểu HĐND cấp xã từ 1 đến 2 cuộc.
Ngoài ra, những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 còn vận động bầu cử thông qua việc trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, nhưng phải bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch đợt hai kiểm tra giám sát trong công tác bầu cử. Với trách nhiệm của mình, MTTQ tỉnh Hà Nam sẽ triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?
-Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát tới Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát. Trong đợt 1, Mặt trận tỉnh đã kiểm tra, giám sát tại 6/6 huyện, thành phố, thị xã và 12 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và đã có báo cáo và kiến nghị sau giám sát gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam đã gửi văn bản về lịch, nội dung và đề cương kiểm tra, giám sát đợt 2 tới Ủy ban Bầu cử các huyện, thành phố, thị xã theo nội dung hướng dẫn của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong đợt hai kiểm tra, giám sát công tác bầu cử, Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn sẽ tập trung giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri, việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử.
Đặc biệt, Mặt trận sẽ tập trung giám sát việc vận động bầu cử của các ứng cử viên để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên. Sau đợt giám sát lần thứ hai này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát đợt 3 trong ngày bầu cử 23/5.
Trân trọng cảm ơn ông!