Đảm bảo công bằng tuyển sinh đại học
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đề nghị các trường công bố kịp thời các phương thức tuyển đầu vào, theo hướng khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển.
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GDĐT và một số chuyên gia lo ngại về xét tuyển sớm với nhiều phương thức, khiến điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT bị đẩy lên cao. Trước đó, từ mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường đại học (ĐH) top đầu đã bỏ hẳn phương thức xét tuyển học bạ và giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân duy trì 3 phương thức tuyển sinh: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng; xét tuyển theo đề án riêng. Trong đó, trường giảm tỷ lệ tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 18% (năm 2023 là 25%). Đồng thời, trường tăng tỷ lệ xét tuyển theo đề án riêng lên 80%. Còn lại 2% cho việc tuyển thẳng.
Trong tháng 6 vừa qua, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã công bố phương thức xét tuyển ĐH năm 2025. Theo đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn 15%.
Cùng đó năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội và một số trường top đầu cũng không tuyển sinh bằng học bạ. Tuy nhiên, Trường ĐH Y Hà Nội có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thực tế tuyển sinh cho thấy, điểm chuẩn theo phương thức thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây luôn ở mức cao. Nguyên nhân điểm chuẩn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tăng vọt được các nhà trường chia sẻ là chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp còn rất ít; phần lớn chỉ tiêu đã được xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT), kết quả thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy, tuyển thẳng…
Đáng lưu ý là năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hai ngành sư phạm Ngữ văn và sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn lên đến 29,3. Điều này tương đồng với việc thí sinh phải đạt 9,767 điểm mới trúng tuyển. Đây là mức điểm chuẩn cao nhất mùa tuyển sinh năm 2024. Đó là chưa kể với ngành sư phạm Lịch sử, thí sinh vừa phải đạt điểm 29,3 vừa phải đặt nguyện vọng 1 mới trúng tuyển…
Thông tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, hiện có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau được các trường ĐH sử dụng để xét tuyển đầu vào. Kết quả tuyển sinh những năm gần đây cho thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất. Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh của các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH top trên đang ngày càng giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này.
Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ đề nghị các trường ĐH tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này giúp giảm tốn kém cho xã hội, đặc biệt là giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện đi lại hay cơ hội tham gia vào nhiều cuộc thi khác, nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển ĐH.
Và tại văn bản mới đây nhất do Bộ GDĐT ban hành cuối tuần qua, liên quan tới những nhiệm vụ năm học 2024-2025 được Bộ đặt ra đối với giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm, trong đó yêu cầu khắc phục triệt để việc thiếu công bằng trong các phương thức tuyển sinh.
Cụ thể, để thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GDĐT và cơ sở đào tạo.
Cùng đó, các cơ sở giáo dục phải hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển. Phải bảo đảm phù hợp với Chương trình GDPT năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dam-bao-cong-bang-tuyen-sinh-dai-hoc-10288807.html