Đảm bảo công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm học

Các khoản thu đầu năm học mới luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của các phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp phụ huynh học sinh và công bố các khoản thu đầu năm học. Để phụ huynh học sinh không phải băn khoăn và yên tâm trước những khoản tiền đóng góp cho con em mình, Sở Giáo dục & Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các nhà trường phải đảm bảo công khai, minh bạch các khoản thu, chi đầu năm học.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Khánh Thiện (Yên Khánh). Ảnh: Minh Quang

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại Trường Tiểu học Khánh Thiện (Yên Khánh). Ảnh: Minh Quang

Là một phụ huynh có con đang học tại 1 trường THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình, chị Đinh Thị Mai Anh, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Thông qua họp phụ huynh đầu năm học, tôi nhận thấy và đồng thuận khi các khoản thu đầu năm học đều được thông báo công khai, minh bạch, rõ ràng. Các khoản thu đều chính đáng theo quy định, như bảo hiểm thân thể, gửi xe, đồng phục, học thêm buổi chiều, sổ liên lạc điện tử... Tổng số tiền ban đầu phải nộp là hơn 1 triệu đồng. Hầu hết phụ huynh đồng thuận bởi các khoản thu này đều mang mục đích phục vụ học sinh và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đại đa số các gia đình.

Để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục thực hiện những khoản thu không đúng quy định, ngày 9/9/2022, Sở Giáo dục & Đào tạo đã ban hành Công văn số 1248 về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học năm học 2022-2023, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định, đồng thời công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Theo đó, đối với cơ sở giáo dục công lập, về khoản thu học phí, trước mắt các đơn vị tạm thời chưa triển khai thực hiện thu học phí năm học 2022- 2023 đối với tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh. Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được thực hiện theo Nghị quyết số 39, ngày 29/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Nguyên tắc thu là, các khoản thu, mức thu phải thực hiện thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh; khoản thu và mức thu không vượt quá mức tối đa đối với những khoản thu có quy định mức tối đa. Việc thỏa thuận thực hiện bằng văn bản. Các khoản thu, mức thu phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế-xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh và đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Khi thực hiện các khoản thu đối với những nội dung được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ hoặc đã được bố trí từ nguồn kinh phí khác, mức thu phải được giảm trừ sau khi tính toán số kinh phí đã được bố trí trong dự toán của đơn vị.

Đối với các khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền mua đồ dùng cá nhân (đối với học sinh bán trú), tiền điện, tiền nước uống, tiền vệ sinh..., yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch công việc, lập dự toán thu, chi đảm bảo nguyên tắc thu bù đắp các chi phí và phải thỏa thuận, thống nhất với cha mẹ học sinh về chủ trương, mức thu, nội dung chi (bằng văn bản) tại các cuộc họp với cha mẹ học sinh.

Chỉ thực hiện các khoản thu này khi đã được sự đồng thuận, nhất trí của cha mẹ học sinh. Các khoản thu, chi này phải quyết toán minh bạch và thông báo công khai với cha mẹ học sinh. Cùng với đó, tùy theo tình hình, điều kiện thực tế về việc tổ chức các dịch vụ phục vụ và các hoạt động giáo dục cần thiết khác tại mỗi cơ sở giáo dục; căn cứ vào nhu cầu của học sinh, thu nhập của cha mẹ học sinh mà mỗi cơ sở giáo dục cần thống nhất với cha mẹ học sinh về việc lựa chọn các dịch vụ và hoạt động giáo dục khác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện.

Các cơ sở giáo dục không được tự áp đặt đối với học sinh, cha mẹ học sinh về việc sử dụng các dịch vụ phục vụ và tổ chức các hoạt động giáo dục khác khi chưa có sự đồng thuận, thống nhất. Mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải xây dựng dự toán chi cụ thể để làm cơ sở xác định mức thu đối với học sinh.

Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các khoản thu đầu năm học đảm bảo đúng quy định, hợp lý với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục đã rà soát, tổ chức công tác dạy học hợp lý, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học. Phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng nộp của học sinh và cha mẹ học sinh.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức họp phụ huynh học sinh và công bố các khoản thu đầu năm học.

Theo ý kiến của đại diện các phụ huynh học sinh một số địa phương trong tỉnh, nhiều khoản thu trong năm học mới 2022-2023 đã được cắt giảm so với các năm học trước. Nhiều trường đã cắt bỏ hoặc giảm các khoản thu, như quỹ khuyến học trường, quỹ Hội Cha mẹ học sinh.... hay như tiền dạy thêm các buổi chiều hoặc tiền quỹ lớp, tiền đồng phục học sinh cũng được lấy ý kiến các bậc phụ huynh để đảm bảo không nộp quá nhiều, không nộp cùng một lúc, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống của các gia đình.

Ngoài các khoản thu theo quy định, các trường mầm non, tiểu học có thêm các khoản thu khác phục vụ học sinh ở lại trường buổi trưa, như tiền ăn, chăm sóc, trang thiết bị phục vụ bán trú; tiền mua học phẩm với trẻ mầm non; tiền vệ sinh, nước uống, đồng phục học sinh…, cũng được thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh học sinh.

Theo đại diện một số hiệu trưởng các nhà trường, để tránh sự không đồng thuận, có ý kiến trong phụ huynh học sinh, các khoản thu trong nhà trường được công khai bằng việc photo, in ấn các khoản thu theo quy định của ngành Giáo dục và Hội đồng nhân dân tỉnh để các phụ huynh nắm bắt được. Việc này còn được Ban đại diện Hội phụ huynh thông qua, giáo viên chủ nhiệm thông báo tại cuộc họp đầu năm và công khai trên các nhóm, trang mạng xã hội của các lớp.

Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh, nhiều nhà trường tiến hành thu các khoản thu thành nhiều đợt trong năm học. Đồng thời, các nhà trường cũng rà soát các học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật học hòa nhập để hỗ trợ, miễn giảm về các khoản chi phí phải đóng góp cho các em...

Thực tế cho thấy, các khoản thu vào đầu mỗi năm học luôn là nỗi lo, gánh nặng tài chính cho các gia đình, nhất là những gia đình ở vùng nông thôn, còn khó khăn, có nhiều con đang đi học. Ở một số nhà trường, đã và đang có một số khoản thu được "lách" dưới dạng tự nguyện, thỏa thuận được triển khai, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Để tạo được sự đồng thuận trong việc thu, chi, không xảy ra tình trạng "lạm thu", quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, cần thiết việc thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong các khoản thu tự nguyện, từ đó mới tạo được niềm tin, trách nhiệm và sự ủng hộ, tham gia tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Cùng với đó, các khoản thu phải đảm bảo dựa trên sự bàn bạc, thống nhất cao giữa các phụ huynh với nhau. Mỗi phụ huynh học sinh phải kiên quyết nói không với các khoản thu chưa phù hợp, gây lãng phí, nhất là trong mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ở mỗi lớp học hay một số loại quỹ không cần thiết, không rõ ràng… trên cơ sở vì quyền lợi của học sinh, khắc phục tình trạng lạm thu phí, sử dụng phí sai mục đích.

Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dam-bao-cong-khai-minh-bach-cac-khoan-thu-dau-nam-hoc/d20221004075854779.htm