Đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là thời điểm mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Để thích ứng, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương đã triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân và bình ổn thị trường giá cả. Phóng viên Báo Sơn La đã phỏng vấn bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La.
PV: Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại thường sôi động. Xin bà cho biết việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp này được chuẩn bị như thế nào?
Bà Phạm Thị Doan: Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, tình hình thị trường vẫn tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân. Ngay từ tháng 11/2021, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, Sở đã và đang triển khai một số các giải pháp trọng tâm, như: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện phương án dự trữ, cung ứng đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Riêng đối với các sản phẩm từ thịt, sở Công Thương đã đề nghị các địa phương chủ động đánh giá năng lực sản xuất, tăng cường khả năng cung ứng tại chỗ, theo dõi sát tình hình các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng, các ban quản lý chợ kiểm soát chặt các khâu trung gian, các cơ sở giết mổ trên địa bàn.
Sở Công Thương đã chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi kéo dài thời gian mở cửa, tăng cường năng lực cung ứng thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong thời điểm sát Tết Nguyên Đán. Các siêu thị duy trì hoạt động kinh doanh ngay cả trong thời gian diễn ra Tết Nguyên đán. Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có các hành vi găm hàng, đẩy giá để trục lợi bất chính.
Trong vài năm gần đây, năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cũng như hạ tầng thương mại của tỉnh đã có những bước phát triển nên nguồn cung hàng hóa tương đối phong phú và dồi dào. Các chợ, siêu thị, cửa hàng thương mại hầu hết phục vụ tới hết ngày 30 Tết và bắt đầu mở cửa trở lại mùng 2 hoặc mùng 3 Tết. Do đó, người tiêu dùng không nên mua quá nhiều thực phẩm tươi sống để tích trữ, tránh gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung ảo, tạo điều kiện cho các hành vi đẩy giá trục lợi.
PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã có hướng dẫn gì để bảo đảm hoạt động sản xuất, mua sắm an toàn, thưa bà?
Bà Phạm Thị Doan: Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế ban hành Hướng dẫn liên ngành số 05/HDSYT-SCT về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh thương mại, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, tất cả cơ sở kinh doanh thương mại tùy theo quy mô, loại hình phải áp dụng các biện pháp an toàn, như: Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở; tạo mã QR điểm kiểm dịch và cung cấp khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại lối vào khu dịch vụ; ký cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở ngành, các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là việc triển khai thực hiện đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại theo hướng dẫn tại Quyết định số 619/QĐ-BYT ngày 07/12/2021 của Bộ Y tế và Hướng dẫn liên ngành Y tế - Công Thương về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng.
Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thương mại tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K”, khai báo bằng mã QR khi đến các điểm mua sắm, luôn nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Đồng thời, đôn đốc các huyện, thành phố tăng cường tập huấn công tác phòng, chống dịch, công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn các huyện, thành phố.
PV: Các sự kiện khuyến mại, bán hàng lưu động, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm nay được triển khai như thế nào ?
Bà Phạm Thị Doan: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã chỉ đạo và hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kích cầu và vui chơi xuân với các hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại nhân dịp Tết gắn với “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân; bám sát diễn biến thực tế cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể bị mất cân đối cung - cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Bộ Công Thương có biện pháp xử lý kịp thời. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm.
PV: Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã được triển khai thế nào, thưa bà ?
Bà Phạm Thị Doan: Hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Lực lượng chức năng, như quản lý thị trường, công an, thanh tra các sở chuyên ngành đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân năm 2022. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các quy định, điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, nhất là các sản phẩm phục vụ Tết. Ban Chỉ đạo thành lập 3 Đoàn kiểm tra chuyên ngành của tỉnh để kiểm tra công tác chỉ đạo triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn 12 huyện, thành phố từ ngày 22/12/2021 đến ngày 20/3/2022, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trên địa bản tỉnh...