Đảm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, kiểm soát thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa và kiểm tra, kiểm soát thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

 Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ sớm.

Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ sớm.

Sức mua có thể tăng hơn 10%

Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025.

Trong đó, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10%-25% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Sức mua hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm, trong đó tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, đồ uống...

Sức mua hàng hóa tăng cao vào dịp cuối năm, trong đó tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bánh kẹo, đồ uống...

Sở Công Thương các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.

Kiểm tra, kiểm soát thị trường

Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu.

Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, tuyền truyền, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tình hình thị trường cung-cầu hàng hóa trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, tuyền truyền, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tình hình thị trường cung-cầu hàng hóa trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dam-bao-dam-nguon-cung-hang-hoa-kiem-soat-thi-truong-dip-cuoi-nam-va-dip-tet-nguyen-dan-20241220203606636.htm