Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mùa nắng nóng
Mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn phát triển. Nắng nóng cũng khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém, đặc biệt là trẻ em. Điều này dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng, có thể bị suy giảm miễn dịch, đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh cấp tính. Do đó, dinh dưỡng hợp lý, an toàn là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Mấy ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến con chị Phạm Minh Thinh ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên thường xuyên bỏ bữa, chỉ đòi uống sữa, nước ngọt.
Chị Thinh cho biết: “Con tôi năm nay được gần 2 tuổi, từ đầu mùa hè đến nay, cháu thường xuyên bỏ bữa, lười ăn. Có những ngày để khuyến khích con ăn, tôi phải mất hàng tiếng đồng hồ chuẩn bị đồ ăn, nhưng cháu cũng chỉ ăn một, hai miếng. Mặc dù tôi đã dùng đủ biện pháp nhưng vẫn không cải thiện được tình hình, vì thế cháu rất hay ốm vặt, ho, sổ mũi”.
Chị Nguyễn Thị Sen ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo chia sẻ: “Mặc dù gia đình tôi chủ yếu ăn uống ở nhà, không đi ăn ở hàng quán do sợ ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên, hai con tôi thỉnh thoảng vẫn bị đau bụng, đi ngoài. Vào mùa hè, có thời điểm các cháu còn biếng ăn, uể oải, khiến tôi rất lo lắng về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của các cháu”.
Không chỉ riêng trường hợp các bé nhà chị Thinh và chị Sen rơi vào tình trạng biếng ăn trong mùa hè, mà còn rất nhiều trẻ khác cũng ở tình trạng tương tự.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu mùa hè đến nay, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị do mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa tăng cao. Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong những ngày nắng nóng, nền nhiệt tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút phát triển; trong khi đó, cơ thể trẻ không kịp thích nghi nên dễ dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Đồng thời, do chế độ ăn của trẻ không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ mùa nắng nóng, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hoan, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ theo “ô vuông thức ăn”, tức là đầy đủ các nhóm chất như tinh bột, đạm, vitamin, chất béo.
Tinh bột có nhiều trong cơm, cháo, bún, phở; đạm có nhiều trong thịt bò, thịt lợn, trứng, sữa, đậu; vitamin có nhiều trong rau, củ, quả; chất béo có nhiều trong bơ, trứng…
Bên cạnh đó, để trẻ ăn đủ bữa, đủ chất trong mùa hè cần thường xuyên thay đổi khẩu phần ăn theo sở thích, nhu cầu của trẻ; đa dạng các bữa ăn, chế biến thức ăn lỏng, mềm, chủ yếu là đồ luộc, canh; hạn chế thức ăn chiên rán để trẻ dễ tiêu hóa.
Khi cho trẻ ăn phải để đồ ăn mát, nguội, tránh đồ ăn nóng dễ gây khó chịu cho trẻ vì mùa nắng nóng trẻ mệt, khó ăn. Chia nhỏ bữa ăn trong 1 ngày để lượng thức ăn mỗi bữa giảm xuống giúp trẻ dễ ăn hơn.
Ngoài ra, cần chú ý cung cấp đủ nước theo nhu cầu lứa tuổi, cơ thể của trẻ vì mùa hè trẻ vận động nhiều dễ mất nước qua mồ hôi. Với trẻ nhỏ dưới 10 kg nhu cầu khoảng 1 lít nước/ngày; trẻ từ 1 đến dưới 10 tuổi nhu cầu khoảng 1-1,5 lít nước/ngày; trẻ trên 10 tuổi giống chế độ như người lớn nhu cầu khoảng 2 lít nước/ngày. Nước được cung cấp theo cách uống nước trực tiếp, qua canh, sữa.
Cùng với đảm bảo chế độ ăn cân đối thì khâu chế biến và bảo quản thực phẩm cũng cần được quan tâm. Mùa hè là thời điểm vi khuẩn hoạt động mạnh, nhiệt độ cao khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn các thức ăn này có nguy cơ bị tiêu chảy. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần lựa chọn thực phẩm tươi, nấu chín, đun sôi trước khi ăn.
Chế biến thức ăn xong cần cho trẻ ăn sớm, không để quá 2 tiếng trong nhiệt độ phòng, dẫn đến nguy cơ thức ăn dễ bị ôi thiu, hỏng. Thực phẩm còn lại sau mỗi bữa ăn cần bảo quản thật tốt.
Cùng với đó, bố mẹ cần xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi đúng giờ, đúng bữa cho trẻ; khuyến khích trẻ thường xuyên vận động, tham gia thể thao. Tuy nhiên, không nên cho trẻ tham gia thể thao, vui chơi nhiều giờ liên tục ngoài trời nắng nóng.
Khi thấy trẻ có hiện tượng biếng ăn, mệt mỏi kéo dài cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng, làm các xét nghiệm vi chất như kẽm, sắt, canxi, D3... trước khi bổ sung các vi chất, tránh tình trạng tự ý bổ sung gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Qua đó, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, chiều cao, cân nặng và trí não; phòng, chống các bệnh lý thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng và các bệnh khi thời tiết giao mùa hay thời điểm nắng nóng.