Đảm bảo đời sống cho người có công với cách mạng

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao các Bộ, ngành rà soát chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn.

Các cựu chiến binh tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Các cựu chiến binh tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Cả nước có 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công

Sáng 23/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Tại hội nghị, báo cáo tri ân, tuyên dương người có công với cách mạng toàn quốc cho biết, suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), ngay trong tháng này, Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,05 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%).

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển, 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn trăn trở: "Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200.000 liệt sĩ vẫn nằm lại các chiến trường xưa, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Theo số liệu từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã hy sinh. Sau nhiều năm tìm kiếm, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ, gần 200.000 liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại khắp các chiến trường xưa. Trong số 900.000 liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tri ân gần 1,2 triệu chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà cho cựu chiến binh. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà cho cựu chiến binh. Ảnh: VGP.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam...

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương chăm sóc tận tình các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước".

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.

Cùng với đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh của dân tộc để tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả mọi người hãy luôn luôn ghi nhớ, tri ân và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đơn vị tổ chức đã cho ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin được, đây được cho là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho 300.000 liệt sĩ chưa xác định thông tin.

Kích hoạt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin. Ảnh: VGP.

Kích hoạt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin. Ảnh: VGP.

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/da-m-ba-o-do-i-song-cho-nguo-i-co-cong-voi-cach-mang-31543.html