Đảm bảo đủ lúa giống, vấn đề cấp bách trong sản xuất vụ đông xuân
Trong tháng 10 vừa qua, địa bàn tỉnh Quảng Trị có lượng mưa rất lớn với cường suất cao trên diện rộng trong thời gian ngắn, phổ biến ở mức từ 1.600 mm- 2.600 mm. Mưa đặc biệt lớn đã xuất hiện hầu hết các vùng, nhất là khu vực miền núi làm lũ ở hầu hết các sông lên rất nhanh làm ngập lụt diện rộng tại các địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên tất cả các lưu vực sông (có 4 đợt lũ chồng lũ nối tiếp nhau), gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và hạ tầng thủy lợi là rất lớn.
Riêng đối với trồng trọt, diện tích thiệt hại về lúa: 468 ha, hoa màu: 3.468 ha; cây trồng lâu năm (cao su, cà phê, hồ tiêu...): 233 ha; cây trồng hằng năm (sắn, ngô, chuối ...) 1.090 ha; cây ăn quả tập trung 647 ha; cây giống bị hư hỏng: 353 ha. Đặc biệt hạt giống hư hỏng, riêng về lúa là 686,3 tấn, lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng (chủ yếu lúa): 50.720,71 tấn. Diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp hơn 1.623 ha,…Tình hình này đặt ra một vấn đề rất bức thiết là cần một lượng lúa giống lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 sắp đến.
Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi Quảng Trị Phạm Xuân Tuyên cho biết, trung tâm có chức năng, nhiệm vụ xây dựng mạng lưới sản xuất giống, tổ chức và chỉ đạo công tác sản xuất giống ở các cơ sở nhằm cung cấp giống cây trồng, vật nuôi tại chỗ. Bên cạnh cung ứng dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, thiết bị đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm nhiệm vụ dự trữ, lưu thông, phân phối giống, trung tâm còn tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn, chọn dòng, sản xuất giống đầu dòng, thực hiện các chương trình giống do Sở Nông nghiệp và PTNT giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chương trình giống trên địa bàn tỉnh. Trung tâm có cơ sở sản xuất giống tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị với diện tích 35 ha cùng với 100 ha liên kết sản xuất giống lúa với các hợp tác xã trong tỉnh. Theo dự tính, nhu cầu giống lúa cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 của toàn tỉnh là khoảng 2.500 tấn. Hiện nay trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng lượng lúa giống trên 1.500 tấn, trong đó trung tâm sản xuất 1.000 tấn, còn lại là làm đại lý cho những công ty giống có uy tín trong nước, với các loại giống có phẩm cấp cao. Nếu cộng với số lúa giống từ trung ương, tỉnh hỗ trợ thì cơ bản sẽ đảm bảo lượng giống lúa để nông dân sản xuất vụ đông xuân tới.
Khảo sát tại các địa phương cho thấy, vụ đông xuân này, vùng trọng điểm lúa của tỉnh như huyện Triệu Phong dự kiến gieo cấy khoảng 6.000 ha lúa, cần tới 400 tấn giống. Hiện nay người dân cơ bản chủ động được 50% diện tích, 50% diện tích còn lại chưa có giống, khoảng 200 tấn. Huyện đã đề nghị cấp trên hỗ trợ 240 tấn lúa giống gồm các giống chủ lực như HN6, Khang Dân, Bắc Thơm số 7, Thiên Ưu 8, NA2. Vụ lúa đông xuân năm nay, huyện Hải Lăng dự kiến gieo cấy khoảng 6.800 ha; huyện Gio Linh dự kiến gieo cấy khoảng 4.200 ha và có thể thấy sau lũ lớn, bên cạnh rất nhiều khó khăn chồng chất, thì nguồn lực chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 ở các địa phương bị thiếu hụt, đặc biệt là giống cây trồng, con nuôi các loại. Nguồn thu nhập của hầu hết các hộ gia đình khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sản xuất nông nghiệp gần như bị thiệt hại hoàn toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như đầu tư cho sản xuất trong thời gian tới. Như huyện Cam Lộ đã đề nghị cấp trên hỗ trợ 100 tấn lúa giống để giúp người dân phục hồi sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, trước mắt để khắc phục hậu quả lũ lụt, ngành Nông nghiệp- PTNT sẽ huy động mọi nguồn lực, ứng dụng các giải pháp đồng bộ nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, sửa chữa hạ tầng nông nghiệp thiết yếu, ổn định cuộc sống sau thiên tai, tổ chức sản xuất vụ đông 2020 và đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm 2021. Về tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh sẽ gieo cấy lúa nước với diện tích khoảng 25.500 ha và cần trên 2.000 tấn lúa giống. Sở sẽ tập trung chỉ đạo chuyển đổi 100- 150 ha đất lúa sản xuất hiệu quả thấp, diện tích bị bồi lấp khó khôi phục sang sản xuất các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn (như ngô, rau, đậu, dưa các loại...). Trước hết, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi khôi phục, tổ chức sản xuất, kịp thời đảm bảo nguồn giống phục vụ trên địa bàn. Đối với vùng miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các xã vùng cao tại Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, trước mắt cần đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế sau thiên tai. Tập trung hỗ trợ cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp, hỗ trợ sản xuất ngô vụ đông muộn, rau ăn lá các loại, lúa và lạc đông xuân. Đối với vùng đồng bằng, ở những vùng đất cao, không ngập úng cần nhanh chóng làm đất, mở rộng tối đa diện tích sản xuất ngô, rau đậu các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, tạo thu nhập, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Tập trung cải tạo, vệ sinh đồng ruộng để tổ chức sản xuất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi. Về khôi phục phát triển sản xuất lâu dài, ngành Nông nghiệp- PTNT sẽ nghiên cứu, rà soát chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp, diện tích lúa, hoa màu bị bồi lấp khó khôi phục sản xuất sang trồng các đối tượng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nghiên cứu, chọn lọc những giống cây trồng ngắn ngày, cực ngắn, bổ sung vào cơ cấu giống trên địa bàn, nhằm luồn lách, tránh được điều kiện bất thuận của thiên tai, dịch bệnh. Duy trì và đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn thực phẩm... Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Sở Nông nghiệp- PTNT cũng đã đề xuất trung ương hỗ trợ 1.000 tấn giống lúa. Bên cạnh nguồn hỗ trợ của Trung ương, để khôi phục và tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 thuận lợi, ngân sách địa phương cần hỗ trợ thêm 1.000 tấn giống lúa và hỗ trợ giống lúa siêu nguyên chủng phục vụ sản xuất giống trên địa bàn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153108