Đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, ứng phó hiệu quả cơn bão số 3 (bão YAGI)
Thực hiện Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 3/9/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 năm 2024, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Văn bản số 2609/SGTVT-QLKCHT ngày 4/9/2024 đề nghị UBND các huyện, thành phố Nam Định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão số 3 (bão YAGI) và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.
Sở GTVT đề nghị UBND các huyện và thành phố Nam Định theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo, diễn biến tình hình của bão, thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp, đặc biệt chú ý công tác kiểm tra các cầu, cống, taluy đường, nhất là các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, khơi thông miệng các cống ngang đường, rãnh dọc, chặt tỉa, phát quang cây cối trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ,… để giảm nhẹ thiệt hại và bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Yêu cầu chủ các bến đò, phà cam kết không tổ chức vận chuyển hành khách trong điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn như: lũ lớn, nước dâng cao,..., tuân thủ đúng tải trọng, sức chở của phương tiện tại bến, yêu cầu mọi người trên đò, phà phải được mặc áo phao, dụng cụ nổi để ở nơi dễ lấy,... Đôn đốc các đơn vị thi công các công trình do huyện, thành phố làm chủ đầu tư có kế hoạch phòng, chống thiên tai, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường vừa khai thác vừa thi công được an toàn, thông suốt, liên tục, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đường bộ để phân luồng, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh.
Đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định chỉ đạo các đơn vị đang thi công công trình trên tuyến giao thông phải xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm giao thông; có trách nhiệm khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra (nếu có) trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác để đảm bảo giao thông được liên tục, thông suốt; phối hợp với địa phương kịp thời khơi thông dòng chảy đảm bảo cho sản xuất và có phương án chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, xe, máy cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động.
Đối với các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và Công ty TNHH một thành viên Tasco 6 khẩn trương gia cố, sửa chữa ngay các hư hỏng (nếu có) trên hệ thống công trình giao thông được giao quản lý, lưu ý khơi thông miệng các cống ngang đường, rãnh dọc, chặt tỉa, phát quang cây cối trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ,… để giảm nhẹ thiệt hại và bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Triển khai ngay công tác kiểm tra đảm bảo giao thông các tuyến đường quản lý và các điểm vượt sông như bến phà Đống Cao trên tuyến Quốc lộ 37B, Đại Nội trên tuyến Quốc lộ 21B, Sa Cao – Thái Hạc trên tuyến đường tỉnh 489, cầu phao Ninh Cường trên tuyến Quốc lộ 37B, chủ động theo dõi diễn biến của bão số 3, có phương án chuẩn bị tháo và cất các phương tiện phao, phà, ca-nô vào nơi neo đậu an toàn khi có lệnh. Thực hiện các biện pháp phân luồng giao thông theo kế hoạch, báo hiệu, phong tỏa, cảnh báo khu vực các tuyến đường, cầu, bến phà... bị hư hỏng gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông; phối hợp với các địa phương có tuyến đường đi qua để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
Sở GTVT giao Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Nam Định chỉ đạo các nhà thầu thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến đường do Sở quản lý đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, các nút vượt sông, chuẩn bị vật tư, phương tiện cần thiết tại các điểm xung yếu, sẵn sàng khắc phục các sự cố có thể xảy ra. Yêu cầu các đơn vị đang thi công công trình trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác do Sở quản lý phải xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, có trách nhiệm khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra thuộc phạm vi đang thi công. Các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành GTVT; cán bộ các phòng, ban, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động theo dõi, bám sát cơ sở, phối hợp với các đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3.