Đảm bảo hạ tầng giao thông ổn định, thông suốt trong mùa mưa bão
Tỉnh Quảng Trị hiện có 8.363,7 km đường bộ gồm 496 km quốc lộ, 2.672 km đường tỉnh, huyện, xã, 871 km đường đô thị, 98,7 km đường chuyên dùng và 4.271 km các loại đường nông thôn khác. Ngoài ra, hệ thống đường thủy nội địa hiện có trên 400 km và một số công trình nổi trên sông. Quảng Trị là địa phương thường bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai, nhất là bão lũ, do vậy, đảm bảo hạ tầng giao thông ổn định, thông suốt trong mùa mưa bão đóng vai trò rất quan trọng.
Vào mùa mưa bão, các tuyến đường thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng thường xuyên bị ngập lụt nhiều điểm. Đặc biệt tại địa bàn các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa thường bị sạt lở nền đường gây ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, các công trình nổi trên sông như cầu phao Trung Yên - Triệu Độ, cầu phao Huỳnh Xá Hạ - Hải Chữ, nhà hàng nổi, du thuyền do các chủ đầu tư tự quản lý cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa bão lũ. Hằng năm, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng nên đã gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng; các tuyến đường sạt taluy dương, xói lở mái taluy âm; nền đường, cầu, cống bị cuốn trôi; các cầu tràn bị ngập sâu trong thời gian dài. Đặc biệt các tuyến đường ở khu vực miền núi bị hư hỏng rất nặng nề như Quốc lộ (QL)15D, QL 49C, ĐT571, 586, 587, 588a… làm chia cắt, cô lập các địa bàn dân cư, gây nguy hiểm trong việc đi lại của người dân và khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Chỉ tính riêng năm 2020, tổng thiệt hại về hạ tầng giao thông ước tính khoảng 306 tỉ đồng, trong đó các tuyến QL thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) quản lý là 96,2 tỉ đồng; các tuyến đường tỉnh 206,8 tỉ đồng; các tuyến đường thủy nội địa 3 tỉ đồng.
Dự báo được tình hình phức tạp do bão lũ gây ra, Sở GTVT đã chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão và huy động các nguồn lực để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn. Trong thời gian xảy ra mưa, bão, các phòng, ban, đơn vị bố trí cán bộ trực 24/24 giờ tại trụ sở cơ quan, các hạt quản lý đường bộ, công trình đang thi công trọng yếu để theo dõi tình hình mưa, bão, ngập lụt, thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày theo quy định. Lực lượng Thanh tra sở phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị quản lý QL, tỉnh lộ trên địa bàn để kịp thời phân luồng giao thông trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông; đảm bảo an toàn giao thông; lắp đặt báo hiệu tại các vị trí ngầm, tràn bị ngập nước chảy xiết, các đoạn tuyến bị nước ngập sâu không lưu thông được; cảnh báo các vị trí sạt lở, cầu, cống bị cuốn trôi trên địa bàn tỉnh khi được huy động.
Ngay từ đầu năm, sở đã ban hành kế hoạch kiểm tra hệ thống cầu, cống, vật tư dự phòng, quán triệt đến phòng, ban, đơn vị thuộc sở, phối hợp các đơn vị trên địa bàn sớm ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Trong đó chú trọng đến việc bố trí nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc với phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, tiến hành phân luồng ngay khi có sự cố ách tắc giao thông, đồng thời chỉ đạo khắc phục thiệt hại kịp thời không để ách tắc kéo dài; khẩn trương triển khai công tác khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 trên các tuyến đường bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc xử lý các công trình hư hỏng các tuyến giao thông trên địa bàn toàn tỉnh như xây dựng cầu tạm tại Km25+300/ĐT.571 để thông xe đến xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) kịp thời phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo giao thông ngầm tạm tại Km1+700/ĐT.587 (cầu tràn La La) thông đường vào xã Húc (Hướng Hóa) để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian sớm nhất; thu dọn bùn, đất sạt lở trên đường ĐT.588A thông đường vào xã Ba Lòng (Đakrông) phục vụ cho người và phương tiện lưu thông an toàn.
Ngoài ra, sở đã hỗ trợ các địa phương đảm bảo giao thông một số tuyến đường huyện, đường xã bị hư hỏng nặng như làm cầu tạm tại vị trí cầu Ta Bang bị nước lũ cuốn trôi, chia cắt đường vào xã Hướng Sơn sau thời gian 5 ngày đã thông xe kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân vùng bị cô lập; đảm bảo giao thông đường huyện ĐH.46 huyện Triệu Phong bị lũ cuốn trôi nền, mặt đường gây ách tắc giao thông, chia cắt các xã phía Đông của huyện... Đặc biệt là thu dọn đất đá sụt lở tràn lấp mặt đường, xử lý ách tắc giao thông trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây kịp thời thông xe phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa bàn các xã phía Bắc, huyện Hướng Hóa. Bên cạnh việc tu sửa, khắc phục, đảm bảo giao thông tại hiện trường, sở đã đề xuất với Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để bố trí kinh phí khẩn cấp thực hiện đảm bảo giao thông trên các tuyến QL ủy quyền quản lý. Hiện nay, Sở GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý, bảo trì giao thông khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 theo Quyết định số 385/QĐUBND ngày 9/2/2021 của UBND tỉnh.
Trong những năm qua, với phương châm luôn sẵn sàng chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông, Sở GTVT đã cùng với các đơn vị trực thuộc kiểm tra theo kế hoạch phòng, chống thiên tai để bổ sung vật tư dự phòng phục vụ đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, vật tư dự phòng để làm cầu phao, đường tạm ứng cứu kịp thời xử lý các điểm sạt lở, chia cắt đường với kinh phí đầu tư lớn nên cần có sự hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm hằng năm để sẵn sàng chủ động ứng phó với các sự cố đột xuất xảy ra. Bên cạnh đó là không có kinh phí cho công tác bảo dưỡng, duy tu các vật tư, thiết bị dự phòng, tập kết vật tư thiết bị phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông. Các phương tiện, trang thiết bị chủ động phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi cấp thiết còn thiếu. Việc tập huấn, diễn tập công tác ứng phó với các loại hình thiên tai còn ít nên khi thiên tai xảy ra còn lúng túng, xử lý chậm...
Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Ngọc Sơn cho biết, để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở GTVT đã hoàn thành việc kiểm tra các địa bàn, xây dựng phương án đảm bảo giao thông tại các vị trí xung yếu. Tăng cường kiểm tra nền mặt đường, sửa chữa đảm bảo lưu thông; kiểm tra khơi thông dòng chảy hệ thống cầu cống, cắm biển cảnh báo. Xây dựng các phương án phân luồng giao thông khi thiên tai xảy ra. Có phương án kỹ thuật tại các điểm có nguy cơ sạt lở đảm bảo giao thông, tổ chức tập kết vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết; bổ sung thêm vật tư, thiết bị cho công tác đảm bảo giao thông. Đặc biệt là chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, máy móc trang thiết bị để sẵn sàng khắc phục, sửa chữa sự cố ách tắc giao thông xảy ra tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão.