Đảm bảo hậu kiểm chặt chẽ trong thẩm định giá
Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay, 6/4, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá nhằm đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.
Làm rõ chế tài về trách nhiệm với thẩm định viên
Một vấn đề được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến là quy định về Hội đồng thẩm định giá. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, qua nghiên cứu một số vụ án liên quan đến vi phạm về đấu thầu cho thấy có liên quan đến vấn đề thẩm định giá. Đáng chú ý, một trong những vấn đề chung trong các vụ án về trang thiết bị y tế là vấn đề thổi giá lên rất cao.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo đại biểu, là do lỗ hổng trong quy định của Luật Giá hiện hành (Điều 29 và Điều 42) trao cho thẩm định viên rất nhiều quyền và không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người độc lập thẩm định giá.
Đánh giá quy định này trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã tương đối cơ bản và đã phần nào khắc phục được bất cập nêu trên nhưng đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng chỉ ra rằng, qua nghiên cứu Điều 47 và Điều 53 dự thảo Luật, quy định quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá là độc lập về chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thẩm định viên về giá không chịu trách nhiệm về báo cáo kết quả thẩm định giá khi khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin không chính xác về tài sản thẩm định giá.
Trong khi đó, theo đại biểu, qua các vụ án cho thấy có tình trạng giữa người cung cấp thông tin về hàng hóa với thẩm định viên có sự thông đồng, dẫn đến tình trạng thổi giá, giá không chính xác.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá vì quy định như dự thảo Luật thì tính chế tài về trách nhiệm đối với thẩm định viên chưa cao.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 47 quy định thẩm định viên về giá có nghĩa vụ giải trình, báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, quy định này chỉ đúng trong trường hợp hàng hóa trong các gói thầu bắt buộc hoặc chỉ định thầu.
Để khắc phục lỗ hổng này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, chứ không phải chỉ báo cáo khi có yêu cầu. Có như vậy mới đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng, để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm.
Chung băn khoăn, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng, Điều 59 dự thảo Luật quy định phương thức thẩm định giá của Nhà nước là một trong những cơ sở để xem xét, quyết định giá. Điều 60 quy định, Hội đồng thẩm định giá có tối thiểu 3 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người thành lập Hội đồng thẩm định giá.
Theo đại biểu, Luật chỉ quy định Hội đồng thẩm định giá có ít nhất 50% thành viên, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng phải có chứng nhận về chuyên môn. Trong khi đó, quy định về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá lại rất nặng. Theo đó, Hội đồng có nghĩa vụ tuân thủ trình tự, thủ tục thẩm định giá theo quy định, bảo đảm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận định, đánh giá của mình, phải cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá.
Theo đại biểu, quy định như vậy thì đối với những công chức, viên chức được phân công thẩm định giá mà không có chuyên môn sẽ rất khó khăn để thực hiện nhiệm nhiệm vụ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng quy định tất cả các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đều phải có chuyên môn trong trường hợp cần thiết có thể thuê thẩm định giá bên ngoài, tránh trường hợp trong Hội đồng thẩm định giá có các thành viên không có chuyên môn nhưng phải chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định giá, qua đó nhằm nâng cao chất lượng thẩm định giá.
Cân nhắc đến quy định về giá trị thương hiệu của doanh nghiệp
Trong phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Về danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị rà soát và đánh giá tác động kỹ với danh mục này. Ngoài ra, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cân nhắc đến quy định về giá trị thương hiệu.
Theo đó, cần có một nghiên cứu về định giá thương hiệu. “Thực tế trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, một trong những vấn đề được cho là thất thoát là do chưa chú trọng, chưa có quy định cụ thể đến giá của thương hiệu dẫn đến thất thoát. Do đó, trong lần sửa đổi luật này cần có quy định rõ về vấn đề này”, đại biểu nêu quan điểm.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đánh giá quy định liên quan đến giá dịch vụ y tế hoặc rất mờ nhạt hoặc gần như không có. Theo đại biểu, giá là vấn đề phức tạp nhất và dễ phát sinh tiêu cực nhất. “Trên thực tế, trong công tác đấu thầu, giá là đích đến cuối cùng của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu “soi mói” để tìm kẽ hở để “kiếm chác”. Do đó, giá rất quan trọng”, đại biểu nói.
Trong khi đó, giá dịch vụ y tế lại quá phức tạp, quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Đại biểu Nguyễn Anh Trí chỉ ra rằng, có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại, như giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa; giá dịch vụ thầy thuốc là bác sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư cũng khác nhau; giá thầy thuốc trong nước với nước ngoài cũng khác nhau. Giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng khác với khám, chữa bệnh trực tiếp… Do đó, nếu không có luật và để “loạn” cách làm giá dịch vụ thì mọi thiệt thòi sẽ trút hết vào bệnh nhân.
Theo đại biểu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà QH vừa thông qua là thành công rất lớn, đã tháo gỡ được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, những vấn đề còn lại chủ yếu vẫn là giá, cụ thể là giá dịch vụ y tế.
“Rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo bị vướng, khi cử tri hỏi thì chúng ta nói rằng vấn đề này sẽ được sửa đổi trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách ngày 5/4 có một số điều đã khá tốt, nếu sửa thêm một số điểm thì coi như ổn nhưng giá lại chưa được đề cập”, đại biểu nhấn mạnh.
Nêu rõ giá là thành tố rất quan trọng để quyết định việc tự chủ bệnh viện công nhằm hạn chế việc tư nhân hóa bệnh viện công, đại biểu đề nghị trong Luật Giá (sửa đổi) cần có một số điều đề cập đến giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng các thông tư về giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế… sau này.