Đảm bảo môi trường chất lượng để Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn
Theo Giám đốc Sở Du lịch, Quảng Ninh sẽ phối hợp với phía Trung Quốc triển khai bài bản để sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, du khách thấy sự đổi mới của du lịch tỉnh về cả sản phẩm và cách làm.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ ngày 15/3.
Đây là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Làm mới các sản phẩm du lịch
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, nhận định Trung Quốc có chủ trương rất rõ ràng khi mở cửa thị trường du lịch nước ngoài là mở cửa trật tự, có kiểm soát. Hai bên sẽ phối hợp triển khai bài bản, khoa học để sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, du khách thấy sự đổi mới của du lịch Quảng Ninh về cả sản phẩm, cách làm.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với biên giới liên hoàn, khai thác thêm các dòng sản phẩm chất lượng cao như chơi golf, các dịch vụ du lịch về đêm... đáp ứng được nhu cầu thị trường đa dạng của du khách Trung Quốc.
Theo bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên có trụ sở tại Hà Nội, Quảng Ninh với lợi thế sở hữu Vịnh Hạ Long-Di sản Thiên nhiên thế giới là điểm đến có sức hút rất lớn với khách du lịch Trung Quốc.
Để đa dạng, làm mới các sản phẩm du lịch, Công ty đã có sản phẩm tour “Hạ Long mới,” khai thác lợi thế đường cao tốc kết nối của tỉnh Quảng Ninh, các dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ tắm khoáng nóng Onsen (Cẩm Phả), du lịch golf. So với các điểm đến khác, Quảng Ninh có lợi thế rất cạnh tranh vì giao thông kết nối với Đông Hưng (Trung Quốc) rất thuận tiện.
Bà Lan Phương đánh giá dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây sẽ là thời gian bùng nổ lượng khách du lịch quốc tế. Thời gian này, Hạ Long là cao điểm của du lịch nội địa nên cần có giải pháp để bảo đảm phục vụ tốt và giá bình ổn. Để nâng cao chất lượng, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi các dịch vụ cung cấp theo hướng nâng cao chất lượng, không nên quá tập trung vào số lượng mà hướng đến khách chất lượng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và du khách
Năm 2023, thành phố Móng Cái tập trung 5 nhóm sản phẩm đặc sắc (du lịch biên giới gắn với chơi golf, xe tự lái, ẩm thực Việt Nam-Trung Quốc; văn hóa, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với du lịch bốn mùa; phiên chợ Pò Hèn; các điểm mua sắm hàng hiệu, khách sạn cao cấp…). Qua đó, từ ngày 21/2 đến 12/3 vừa qua, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đón trên 45 ngàn lượt khách Trung Quốc xuất nhập cảnh.
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Móng Cái cho biết thành phố đang phối hợp với các trường đại học tổ chức lớp hướng dẫn viên điểm, các lớp đào tạo về kỹ năng phục vụ nhà hàng, lễ tân, bán hàng…
Dự kiến cuối tháng Ba này, Phòng đề nghị Sở Du lịch tổ chức Hội đồng thi tuyển và cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm. Cuối năm 2022, thành phố đã rà soát, kiểm tra các cơ sở lưu trú, các điểm mua sắm, nhà hàng, hoạt động lữ hành tại địa bàn. Móng Cái duy trì và thiết lập thêm đường dây nóng từ thành phố tới các điểm du lịch. Tháng Hai vừa qua, thành phố tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị đón khách Trung Quốc sử dụng sổ thông hành tham quan Móng Cái.
Bà Phạm Thị Oanh khẳng định cùng với đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đón khách, các cơ quan, ban, ngành của thành phố sẽ vào cuộc quyết liệt để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn và dịch vụ chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh nơi địa đầu Tổ quốc.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho rằng việc du khách Trung Quốc trở lại là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp củng cố lại hoạt động. Các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy trình như khách sạn phải đảm bảo, các điểm bán hàng phải đạt chuẩn, bày bán các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh và các sản phẩm chất lượng. Hiệp hội sẽ sát cánh cùng các doanh nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp đoàn kết, tôn trọng nhau.
Trung tuần tháng Ba này, Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội nghị phát triển du lịch năm 2023, dự kiến có sự tham gia của khoảng 350 đại biểu từ nhiều địa phương, ban ngành.
Trọng tâm của hội nghị là trao đổi về các giải pháp thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Quảng Ninh; trao đổi về công tác quảng bá, xúc tiến gắn với chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; bàn các giải pháp mở rộng, phát triển các điểm du lịch, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các địa phương trên địa bàn tỉnh; đề xuất các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới..../.