Đảm bảo mục tiêu trồng rừng và lợi ích của người dân
Cơ quan chức năng kiểm tra tại vườn ươm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hồng Sum (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NHẬT HUY
Tuy chưa phải là mùa cao điểm trồng rừng, nhưng ngay từ lúc này, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên phối hợp với các địa phương kiểm tra vườn ươm đủ tiêu chuẩn, được cơ quan chuyên môn công nhận. Điều này mang lợi ích cho việc triển khai thực hiện đề án Trồng 15 triệu cây xanh và kế hoạch trồng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Thẩm định các vườn ươm đầu dòng
Tại vườn ươm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hồng Sum (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nguồn gốc, số lượng, diện tích…, từ đó lập biên bản hiện trường, làm báo cáo thẩm định, trình Chi cục Kiểm lâm Phú Yên ra quyết định công nhận vườn ươm đầu dòng theo đúng hồ sơ mà đơn vị này đăng ký.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hồng Sum đáp ứng đầy đủ theo quy định của Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Qua kiểm tra thực tế tại vườn cây đầu dòng keo lai mô của doanh nghiệp này, lực lượng chức năng nhận thấy đủ tiêu chuẩn cung cấp vật liệu giống cây hom để sản xuất cây con cho mùa vụ trồng rừng trong năm 2023. Từ cơ sở đó, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên ra quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp (vườn cây đầu dòng keo lai mô), thời gian sử dụng giống 3 năm (2023-2025). Vườn ươm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hồng Sum có thể đáp ứng hơn 1 triệu hom keo lai trong mùa trồng rừng sắp tới.
Tương tự, qua công tác thẩm định, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cũng công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp của Trạm giống Lâm nghiệp (phường 9, TP Tuy Hòa). Số lượng tối đa hom keo lai đơn vị này có thể cung cấp trong năm 2023 là 1,35 triệu hom.
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 vườn ươm đầu dòng được công nhận đảm bảo chất lượng, chủ yếu là giống keo lai. Hàng năm, lực lượng chức năng thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương, kiểm tra các vườn ươm, nhắc nhở các hộ gia đình, công ty và các đơn vị ươm giống hoàn thành thủ tục, đảm bảo đúng quy trình công nhận vườn đầu dòng, nâng cao chất lượng giống cây trồng.
Quản lý chất lượng giống
Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hồng Sum cho biết công ty vừa thực hiện theo quy trình quy định để cơ quan chức năng công nhận là vườn ươm đầu dòng, vừa có trách nhiệm sản xuất giống cây đảm bảo chất lượng tốt nhất (cao trên 20cm, rễ đầy đủ, cây không sâu bệnh) và năng suất trên 100 tấn/ha/5 năm cho người dân.
“Cây keo đối với người dân là cây xóa đói giảm nghèo. Cây cũng dễ chăm sóc và nếu giá gỗ ổn định, người dân sẽ có thu nhập cao. Quan trọng là chọn giống phù hợp và có chất lượng, điều này giúp giảm rủi ro cho người trồng keo”, ông Hồng nói.
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, đa số các vườn ươm đầu dòng đều sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề các hộ gia đình tự phát sản xuất, kinh doanh cây giống không cung cấp nguồn gốc, xuất xứ, không xuất trình đầy đủ hồ sơ giấy tờ kèm theo nguồn gốc lô hom và lô giống cũng xuất hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy, số lượng giống không rõ nguồn gốc trong năm 2022 là hơn 3,9 triệu cây (chủ yếu là keo lai, keo hạt, bạch đàn hạt).
Bên cạnh đó, việc sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều tồn tại. Cụ thể, các cơ sở sản xuất giống cây trồng chủ yếu các hộ kinh doanh nên việc ghi chép nhật ký vườn ươm và bảng kê vật liệu giống chưa được quan tâm. Nhu cầu về hạt giống của các loài keo các loại, bạch đàn để sản xuất cây con trồng rừng là rất lớn, nhưng các loại hạt giống này được mua trôi nổi trên thị trường và không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Một số cơ sở đã được cấp quyết định công nhận nguồn giống, nhưng sản xuất vượt số lượng khả năng cung cấp hom/năm.
“Thời gian tới, để quản lý chất lượng giống, các hạt kiểm lâm phối hợp với phòng NN&PTNT địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi kiểm tra, giám sát nguồn gốc cây giống từ các hộ kinh doanh mua bán, có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Chi cục Kiểm lâm Phú Yên. Đây là việc làm quan trọng, vừa đảm bảo mục tiêu thực hiện đề án Trồng 15 triệu cây xanh và kế hoạch trồng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh, vừa giúp người trồng rừng nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết.