Đảm bảo nguồn bác sĩ nội trú cho ngành y
Hiện, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú. Trung bình một năm có 900 người tốt nghiệp bác sĩ nội trú, trong đó trên 40% số này từ Trường Đại học Y Hà Nội. Trước nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng tăng, mô hình đào tạo y tế cần phải thay đổi để hội nhập và phù hợp với thực tiễn.
Tiến tới đào tạo bắt buộc
Tại Việt Nam, chương trình thi tuyển để trở thành bác sĩ nội trú (BSNT) đầu tiên được Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức năm 1974. Đây là chương trình đào tạo dành cho sinh viên y khoa chính quy đã tốt nghiệp ĐH và chỉ tuyển chọn những sinh viên học y khoa xuất sắc nhất để tiếp tục đào tạo thêm 3 năm trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu.
Với những yêu cầu khắt khe và môi trường đào tạo khắc nghiệt, dễ hiểu khi BSNT là những nhân lực luôn được các cơ sở y tế săn đón và hầu hết trong số này đều lựa chọn công tác tại các bệnh viện tuyến Trung ương.
Thế nhưng, với nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao ngày càng gia tăng của người dân, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình đào tạo BSNT cần có sự thay đổi để hội nhập và phù hợp với thực tiễn về nguồn nhân lực cao của đất nước.
GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội thông tin, từ nhu cầu thực tế về nguồn bác sĩ chất lượng cao, Trường đã đề xuất với Bộ Y tế thay đổi cách thức thi tuyển, đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh BSNT, nhằm tăng nguồn cung bác sĩ tay nghề cao phục vụ các cơ sở y tế trên cả nước, để mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, hiện đại. Theo đó, Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương mở rộng quy mô đào tạo BSNT, tiến tới bắt buộc đào tạo nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp. Trong vòng 9 năm trở lại đây, mô hình đào tạo BSNT đã và đang thay đổi, khác biệt rất nhiều so với trước.
Cũng theo GS.TS Tạ Thành Văn, nếu như trước năm 2015, tỷ lệ sinh viên y tốt nghiệp học BSNT chỉ dưới 10%, thì năm từ 2016 đến nay, tỷ lệ này tăng dần từ trên 20 - 75%. Đặc biệt, trước năm 2015, 90% BSNT ở lại các trường hoặc công tác tại các bệnh viện Trung ương, thì sau năm 2015, tỷ lệ BSNT về các địa phương và bệnh viện ngoài công lập tăng lên khoảng 35%.
GS.TS Đoàn Quốc Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Tính riêng tại Trường Đại học Y Hà Nội, trong 50 năm từ khi bắt đầu chương trình đào tạo BSNT đầu tiên đến nay, trường đã đào tạo được 5.159 BSNT. Trong 40 năm đầu, Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo khoảng 17.000 sinh viên và 1.770 BSNT, tức là chỉ 10% bác sĩ được đào tạo nội trú. Số bác sĩ này đều về làm việc ở các bệnh viện tuyến Trung ương, mà số cơ sở y tế này chỉ chiếm 10% tổng số bệnh viện trong cả nước. Như vậy, 90% bác sĩ không học nội trú lại đang phủ 90% bệnh viện trong cả nước. Tức là, đa số người bệnh không được các bác sĩ giỏi điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải tại tuyến Trung ương. “Đây là lý do để chúng tôi đề xuất thay đổi mô hình đào tạo BSNT theo hướng mở rộng và tiến tới bắt buộc đào tạo nội trú với 100% bác sĩ khi tốt nghiệp”- ông Hưng nói.
Cần mở rộng quy mô đào tạo
Theo GS.TS Đoàn Quốc Hưng, khi số lượng BSNT tăng lên sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng tích cực, giúp người dân được tiếp cận bác sĩ giỏi dễ dàng hơn, đồng thời giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Cùng với đó, BSNT nên được cấp chứng chỉ hành nghề tạm thời. Trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành nên cần được trả lương, thù lao tương xứng để đảm bảo cuộc sống.
GS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, năm 2022, bệnh viện tiếp nhận 27 BSNT, trong đó có 16 bác sĩ nhi và 9 bác sĩ ở các chuyên ngành khác. Với chỉ tiêu giới hạn đào tạo BSNT như trước đây, nguồn nhân lực bác sĩ chất lượng cao không đủ đáp ứng cho nhiều tuyến y tế. Vì vậy, chúng ta cần phải đào tạo thêm nhiều BSNT hơn nữa. Các trường đại học Y có đủ điều kiện về nhân lực giảng dạy, cơ sở thực hành lâm sàng đạt chuẩn cần mở rộng đào tạo.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, BSNT là mô hình đào tạo khắt khe nhất, bài bản và chất lượng nhất. Việc đào tạo thế hệ cán bộ y tế có năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, thích ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, sự phát triển khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế có vai trò then chốt. Vì vậy, việc đào tạo cần đổi mới không ngừng theo xu thế của thế giới là đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, đảm bảo nguồn nhân lực Y - Dược đủ cả về số lượng và tốt về chất lượng. Bộ Y tế đang đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế.
Trước thực tế nói trên, bà Đào Hồng Lan đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng và trình đề án phát triển trên cơ sở đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Trong quá trình xây dựng định hướng phát triển, Trường Đại học Y Hà Nội cần phối hợp với các trường Y - Dược của cả nước tổng kết công tác đào tạo BSNT trong thời gian qua. Đồng thời, phối hợp các trường Y- Dược, các đơn vị của Bộ rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan việc triển khai thực hiện đối với loại hình đào tạo BSNT. Bộ Y tế cũng đang giao cho các đơn vị rà soát, đánh giá mô hình đặc thù của đào tạo BSNT để từ đó có thể có hình thức ưu tiên đặc thù.
“
Theo GS.TS Đoàn Quốc Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sau đại học, Trường Đại học Y Hà Nội, để tiến tới 100% bác sĩ đều được học nội trú, tức là mọi người bệnh được các bác sĩ giỏi chăm sóc như nhau, từ năm 2024, Bộ Y tế cần có tầm nhìn và đưa ra con số cụ thể, như năm 2030, Việt Nam cần bao nhiêu bác sĩ ở từng chuyên ngành, tỷ lệ chung của bác sĩ nghỉ hưu và căn cứ chỉ tiêu để phân bổ cho các trường đại học Y tuyển sinh bác sĩ nội trú. Con số dự liệu chuẩn sẽ đảm bảo khi tốt nghiệp, các bác sĩ nội trú đều có chỗ làm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dam-bao-nguon-bac-si-noi-tru-cho-nganh-y-10274185.html