Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, với nguồn dự trữ trong nước còn dồi dào và nguồn nhập khẩu đang được bổ sung liên tục gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay đủ cung ứng cho thị trường đến hết tháng 3.

Thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết

Nhu cầu dầu mạnh mẽ từ các nước thực hiện các chiến dịch mở cửa trở lại, gia tăng các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch và hàng không, cộng với căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, dự trữ dầu giảm… khiến giá dầu không ngừng tăng cao và đã vượt 100 USD/thùng vào ngày 25/2/2022.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn liên tục tăng công suất
đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ở trong nước, dù nguồn cung đã đáp ứng được hơn 70%, nhưng do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước) đang cắt giảm công suất, nên ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung xăng dầu từ đầu năm đến nay. Thị trường trong nước đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố.

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, trong đó giao nhiệm vụ chính cho ngành Công thương.

Cụ thể hóa sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với mức 3,7 - 3,8 triệu tấn hiện có trong nước, từ nguồn xăng dầu dự trữ và nguồn cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là từ nguồn nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường trong thời gian từ đầu tháng 2 đến nay, chúng ta có đủ lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường trong nước đến hết tháng 3.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công thương cho biết từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ quyết định điều hành theo kịch bản. Theo đó, lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng nhập khẩu từ 2,4 triệu tấn lên 3,7 triệu tấn vào quý II, đảm bảo đến hết tháng 6 không thiếu xăng dầu.

Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho thấy, hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2/2022 là 26.000 m3 xăng và 40.000 m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập khẩu trong tháng 2/2022 khoảng 100.000 m3 xăng và 200.000 m3 dầu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Hóa dầu quân đội, các công ty Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh, Thiên Minh Đức, Dương Đông, Nam Phúc, Hồng Đức... (chiếm trên 95% thị phần với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết thêm, thời gian gần đây, một số cửa hàng xăng dầu phía Nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh) có hiện tượng bán ít hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Công thương sẽ tiến hành thanh tra 33/36 doanh nghiệp đầu mối, nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm 2021 đến nay. Thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết.

Điều hành thị trường xăng dầu linh hoạt sát với giá thế giới

Xử lý nghiêm vi phạm
trong kinh doanh xăng dầu

Tại Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đôn đốc việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động cung ứng, kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.

Theo các chuyên gia kinh tế và đại diện Bộ Công thương, về lâu dài, nếu giá thế giới duy trì ở mức cao quá lâu cần đưa mức giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, tránh những hệ lụy tiêu cực từ chênh lệch giá xăng dầu trong nước với các quốc gia biên giới.

Tại các cuộc họp của Bộ Công thương về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước đều xác định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế. Để nhanh chóng ổn định thị trường, cần có giải pháp kịp thời đảm bảo nguồn cung, cũng như nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gây nhiễu loạn, đầu cơ, trục lợi từ xăng dầu.

Chuyên gia tài chính TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các dự án lọc hóa dầu của Việt Nam hiện đã đáp ứng được khoảng hơn 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Song, thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn liên thông và phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, khi vẫn phải nhập khẩu tới gần 30% lượng xăng dầu từ thị trường nước ngoài.

Trước hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu trong nước đóng cửa vì thiếu nguyên liệu hay nghỉ bán hàng do sợ thua lỗ, ông Thịnh cho rằng tính chủ động của Bộ Công thương cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu còn chưa cao thành ra bị động. Bởi khi có tính chủ động cao, cơ quan điều hành phải thấy được diễn biến của giá xăng dầu thế giới, từ đó có kế hoạch dự trù và bổ sung nguồn xăng dầu trong tình huống thiếu hụt; hoặc nhanh chóng có chỉ đạo, tuyên truyền để các doanh nghiệp đầu mối chủ động đàm phán nhập khẩu xăng dầu ở thời điểm thích hợp.

Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, Việt Nam đang dần muốn xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực sự, nên từ chỗ thời gian điều chỉnh giá diễn ra trong vòng 1 tháng, sau đó giảm xuống 15 ngày và đến nay chu kỳ điều chỉnh giá đã giảm xuống còn 10 ngày.

Nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 242/QĐ-BCT (ngày 24/2) về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022. Theo đó, 10 doanh nghiệp lớn sẽ có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong khoảng thời gian này để phục vụ thị trường trong nước.

Theo quyết định, Bộ Công thương giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.

Đảm bảo việc nhập khẩu được chặt chẽ, Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung tại quyết định này. Đồng thời, phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.

Việc ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 được đánh giá là cần thiết. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo ổn định nguồn cung ứng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dam-bao-nguon-cung-xang-dau-trong-moi-tinh-huong-100851-100851.html