Đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP

Những năm qua, việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp BĐBP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng kiểm tra việc dạy và học ngoại ngữ tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Phùng Thành

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng kiểm tra việc dạy và học ngoại ngữ tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Phùng Thành

Để quản lý, bảo vệ BGQG, đòi hỏi đảm bảo nhiều yếu tố như: Nguồn nhân lực, nguồn tài chính, tài sản, điều kiện kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách..., trong đó, nguồn nhân lực được xác định là nguồn lực của mọi nguồn lực, chiếm vị trí trung tâm, giữ vai trò quyết định. Trong nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa chiến lược; việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP là rất cần thiết.

Có thể hiểu, nguồn nhân lực là nguồn lực con người. Nguồn nhân lực trong quản lý, bảo vệ BGQG phong phú, đa dạng gồm: Nguồn nhân lực rộng rãi là quần chúng nhân dân, trong đó, trực tiếp là đồng bào các dân tộc ở KVBG; nguồn nhân lực nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; nguồn nhân lực chuyên trách là BĐBP. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực đặc biệt, có phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn và chuyên môn cao, kỹ năng giỏi, khả năng đáp ứng nhu cầu cao của thực tiễn đòi hỏi.

Những năm qua, việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp BĐBP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. BĐBP đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và gửi đi đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng.

Chỉ tính tại Học viện Biên phòng, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của lực lượng BĐBP; ngoài đào tạo trình độ đại học, năm 2000, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Thạc sĩ; năm 2009, được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ Tiến sĩ. Đến nay, mỗi năm, tại Học viện Biên phòng có hàng trăm lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, tốt nghiệp ra trường, cung cấp đáng kể nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP. Nhiều cán bộ trở thành chủ trì, nòng cốt trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy và nghiên cứu khoa học ở cơ quan, đơn vị, nhà trường BĐBP.

Nhiều chủ trương, biện pháp, chính sách về quản lý, bảo vệ BGQG được nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. BĐBP phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể liên quan, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân ở KVBG tham gia quản lý, bảo vệ BGQG.

Trong những năm tới, trên thế giới, vấn đề hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Các quốc gia chuyển từ biên giới ngăn cách sang biên giới hợp tác, giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ nhiều nơi diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ.

Đối với nước ta, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế từng bước được nâng lên, nhưng các thế lực thù địch, phản động vẫn đẩy mạnh chống phá nhiều mặt. Tình trạng di cư tự do, ô nhiễm môi trường; một số loại tội phạm xuyên biên giới như mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó kiểm soát; tình hình thiên tai, dịch bệnh phức tạp. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG thời gian tới rất toàn diện, gồm: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP; muốn vậy, cần tiến hành những nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP. Nguồn nhân lực trong quản lý, bảo vệ BGQG là toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP làm chuyên trách. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành liên quan cần ưu tiên, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương về công tác đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cần có chính sách, kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP để thực thi tốt nhiệm vụ biên phòng.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong BĐBP. Tập trung giáo dục, bồi dưỡng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế về biên giới, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ BGQG. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, kiến thức quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc ở KVBG; rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật, thể lực, đáp ứng nhiệm vụ cả thời bình và thời chiến.

Bồi dưỡng, nâng cao khả năng nghiên cứu, nắm và dự báo sát, đúng tình hình, từ đó, tham mưu, xử lý tốt các tình huống theo quy định cũng như đề xuất cấp có thẩm quyền các chủ trương, biện pháp về quản lý, bảo vệ BGQG, xây dựng KVBG vững mạnh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Ba là, đa dạng hóa hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, coi trọng đào tạo tập trung, có hệ thống, liên thông từ thấp đến cao; từng bước nâng tỉ tệ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở KVBG.

Kết hợp chặt chẽ đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường trong và ngoài lực lượng với đào tạo, bồi dưỡng tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện hợp tác quốc tế, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; mời chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao tham gia giảng dạy, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP.

Bốn là, có cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng. Bên cạnh chăm lo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ quan, đơn vị BĐBP; Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hoàn thiện cơ chế, chính sách về quân hàm, tiền lương, nhà ở, chế độ đãi ngộ để thu hút, động viên, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khi công tác ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, những cán bộ bậc học cao, có học hàm, học vị, trường hợp cần thiết có thể kéo dài hơn so với quy định. Quan tâm xây dựng Học viện Biên phòng thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học của BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG thời gian tới, việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho BĐBP là rất quan trọng, cần thiết. Vì vậy, cần thực hiện đầy đủ các nội dung trên, góp phần giúp BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Huệ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dam-bao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-bdbp-post435124.html