Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL ứng phó xâm nhập mặn
Tiền Giang, Long An, Bến Tre đã đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải vào quy hoạch cấp nước.
Nhằm tìm giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, ngày 25/11, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tham vấn điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành; 13 tỉnh, thành trong khu vực; các viện, trường, hội nghề nghiệp và các chuyên gia trên lĩnh vực này.
Chủ trì Hội nghị, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cho biết thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và các chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu giải pháp cấp nước sinh hoạt cho vùng, trong đó có xem xét việc đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng.
Qua nghiên cứu cho thấy hệ thống cấp nước sạch tập trung liên vùng có ưu điểm về mặt phương án kỹ thuật nhưng chi phí đầu tư xây dựng và mức giá nước sạch dự kiến sẽ rất lớn. Ở thời điểm hiện tại, việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống này là chưa khả thi về mặt tài chính và khả năng chi trả của người dân.
Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển hệ thống cấp nước ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, bảo đảm nước sạch sinh hoạt, sản xuất của người dân hiện đang là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Do vậy, để các dự án cấp nước cho vùng triển khai hiệu quả, khoa học và đồng bộ, việc kịp thời điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 2140/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch 2140) là rất cần thiết.
Theo đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong Quy hoạch 2140 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các nhà máy nước liên vùng tập trung ở ba khu vực.
Vùng 1 - Bắc sông Tiền, dự kiến có Nhà máy nước Sông Tiền 1 tại khu vực Cái Bè (Tiền Giang) cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp; công suất đến năm 2025 là 100.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000 m3/ngày đêm.
Vùng 2 - giữa sông Tiền và sông Hậu, có Nhà máy nước Sông Tiền 2 tại khu vực Vĩnh Long cấp nước cho các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và phần còn lại của tỉnh Đồng Tháp; công suất đến năm 2025 là 200.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 300.000 m3/ngày đêm.
Vùng 3 - Tây Nam sông Hậu, gồm Nhà máy Sông Hậu 1, Sông Hậu 2 và Sông Hậu 3 cấp cho các tỉnh còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long; tổng công suất đến năm 2025 là 700.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 1.050.000 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, thời gian qua do gặp một số khó khăn, bất cập, nhất là diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến một số vị trí nhà máy theo quy hoạch, trong mùa khô 2019-2020 nguồn nước bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn cho phép hoặc chớm nhiễm mặn cùng một số yếu tố khách quan khác nên cần phải điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp, giải quyết các thách thức trên.
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề xuất điều chỉnh các vùng cấp nước theo hướng gộp vùng 1 - Bắc sông Tiền và vùng 2 - giữa sông Tiền và sông Hậu thành một vùng (gọi là vùng 1 - Đông Bắc sông Hậu). Tại đây chỉ xây dựng Nhà máy nước Sông Tiền công suất đến 2025 là 300.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 600.000 m3/ngày đêm, bằng tổng công suất Nhà máy nước Sông Tiền 1 và Sông Tiền 2 dự kiến xây dựng trước đây; địa điểm đặt tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Sau khi điều chỉnh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hai vùng cấp nước là vùng 1 - Đông Bắc sông Hậu, gồm sáu tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh; vùng 2 - Tây Nam sông Hậu, gồm bảy tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang Huỳnh Hữu Quyền, do tính chất cấp bách về bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và phát triển kinh tế-xã hội trong mùa khô hạn 2020-2021, Ủy ban Nhân dân ba tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre đã đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải có công suất giai đoạn một là 300.000 m3/ngày đêm và giai đoạn hai nâng lên 500.000 m3/ngày đêm vào Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết việc điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết, phù hợp với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Ông Nguyễn Hữu Lập mong muốn dự án sớm được triển khai và đưa vào hoạt động, phục vụ dân sinh vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những địa bàn hạ lưu, ven biển Nam Bộ đang chịu thiệt hại do thiên tai rất nặng nề.
Đại diện lãnh đạo Công ty cấp nước Sóc Trăng đồng thuận về việc điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đề xuất giảm chi phí mua nước cho nhân dân trong khu vực; Chính phủ cần đầu tư tuyến ống truyền tải còn nhà đầu tư thì đầu tư Nhà máy cấp nước và trạm bơm tăng áp.
Về lâu dài, các ngành hữu quan cần nghiên cứu giải pháp đắp đập giữ ngọt, phòng chống xâm nhập mặn trên các tuyến sông ngòi vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giải quyết căn cơ bài toán thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương cho biết các ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội nghị sẽ được cơ quan hữu quan cập nhật, bổ sung vào nội dung định hướng phát triển hạ tầng cấp nước vào Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030./.