Đảm bảo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 30 công ty, nhà máy sản xuất, chế biến gỗ. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn tại các nhà máy, cơ sở chế biến này. Để đảm bảo an toàn trong phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ nhằm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.

 Kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở chế biến gỗ -Ảnh: D.T

Kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở chế biến gỗ -Ảnh: D.T

Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị với ngành nghề sản xuất và xuất khẩu chính là ván MDF các loại, có công suất 60.000 m3/ năm, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Đức. Công ty hiện có nhiều khu vực nhà xưởng và các nguyên vật liệu dễ bắt cháy. Để đảm bảo an toàn PCCC&CNCH, khi xây dựng các nhà xưởng sản xuất, Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị đã chấp hành nghiêm các quy định hiện hành về PCCC như: nguồn nước phục vụ PCCC và phương tiện PCCC tại chỗ; hệ thống điện được lắp đặt bảo đảm an toàn và phù hợp...

Ông Nguyễn Văn Công, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị cho biết: Là cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do cháy, nổ gây ra nên công ty luôn xác định, an toàn trong PCCC là vấn đề rất quan trọng. Từ đó đề ra những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc lắp đặt và xây dựng hệ thống nhà xưởng đảm bảo tiêu chuẩn trong phòng cháy, công ty cũng chú trọng việc kiểm tra an toàn trong khâu nhập nguyên liệu đầu vào và sắp xếp hàng hóa đầu ra nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ do cháy, nổ gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Qua kiểm tra nhằm đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC & CNCH của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC & CNCH. Qua đó, giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh có biện pháp khắc phục hạn chế nhằm đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân và tính mạng của người dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về PCCC & CNCH, áp dụng các biện pháp ngăn chặn xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh cũng đã chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở cần chú trọng kiểm tra: tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy tự động; họng nước chữa cháy, trữ lượng bể nước chữa cháy, nguồn cấp và thời gian bổ sung nước vào bể; hoạt động của các máy bơm chữa cháy theo thông số kỹ thuật đã thiết kế; chú ý việc sắp xếp nguyên liệu, thành phẩm đúng quy định, tạo khoảng cách chống cháy lan…Thực hiện tốt vệ sinh công nghiệp; các loại phế liệu phải được dọn dẹp thường xuyên và đưa ra nơi an toàn, cách xa khu vực sản xuất… Quá trình kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC&CNCH, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cũng như cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và các biện pháp khắc phục, phòng ngừa đảm bảo an toàn công tác PCCC.

Thượng tá Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh cho biết: Thực tế quá trình sản xuất tại các nhà máy gia công, chế biến gỗ luôn tạo ra rất nhiều bụi gỗ, mùn cưa, phôi bào, đầu mẩu gỗ. Nếu phát sinh nguồn nhiệt sẽ dễ gây cháy, nổ. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn về người, tài sản, ổn định sản xuất, các cơ sở chế biến gỗ phải chủ động các phương án PCCC, chuẩn bị lực lượng, phương tiện “4 tại chỗ”. Trong đó cần đầu tư các thiết bị PCCC phù hợp; thường xuyên cử người trực bảo vệ, kiểm tra nhà xưởng, kho bãi, nhất là vào ban đêm; sắp xếp hợp lý các nguyên vật liệu, cách ly nguồn lửa, nguồn nhiệt để không xảy ra cháy, hoặc nếu cháy thì hạn chế được thiệt hại. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức PCCC cho người lao động tại các cơ sở sản xuất gỗ.

Để đảm bảo an toàn PCCC, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, rất cần ý thức của các chủ doanh nghiệp, người lao động đối với công tác PCCC, góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Diệu Thúy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169299&title=dam-bao-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-tai-cac-co-so-san-xuat-che-bien-go