Đảm bảo phòng, chống dịch khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp

Đó là nội dung chính tại hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục do Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức vào ngày 19/1.

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc, có đồng chí Nguyễn Văn Huyến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT.

Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Huyến và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung

Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Huyến và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp học trên địa bàn cả nước đã chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp, trực tuyến theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Đến nay, cả nước có hơn 6,5 triệu học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19; hơn 5,2 triệu học sinh tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đạt hơn 70%; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 là hơn 4 nghìn người, đạt gần 30%.

Hiện tại các địa phương trên cả nước vẫn duy trì cả 3 hình thức dạy học, gồm trực tuyến và qua truyền hình, trực tiếp và trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua truyền hình. Trong đó, những địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình hoàn toàn giảm đáng kể so với cuối năm 2021, 53/63 tỉnh thành cho học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp.

Tại Vĩnh Phúc đến nay, có tổng số gần 400 các nhà trường ở các cấp học cho học sinh đi học trực tiếp, có 54 trường học cho học sinh học trực tuyến, hơn 60 trường kết hợp cả học trực tiếp và học trực tuyến; việc phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các nhà trường thực hiện nghiêm túc với mục tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã nêu nhiều hệ lụy của việc trường học đóng cửa kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất học sinh; nhiều giáo viên thất nghiệp, báo động về tình trạng thiếu giáo viên sau khi trường học mở cửa trở lại.

Các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học cũng đã đề xuất Bộ GDĐT, các địa phương cần phải có lộ trình, xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể, đặc biệt ở các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vùng đỏ, vùng cam khi đưa học sinh đi học trực tiếp.

Đẩy mạnh tiêm bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng học sinh; xây dựng môi trường an toàn từ gia đình, đường đi và tới trường; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi gia đình phụ huynh học sinh trong việc quan tâm chăm sóc, chủ động phòng, chống dịch cho các em.

Trên cơ sở thực tiễn, khoa học, kinh nghiệm phòng, chống dịch, Bộ GDĐT yêu cầu Sở GDĐT các địa phương đang tổ chức việc dạy học trực tuyến phải kiên trì, quyết tâm chính trị cao, xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết để thích ứng, linh hoạt, hiệu quả trong việc tổ chức mọi điều kiện tốt nhất để tổ chức việc dạy học trực tiếp; có khảo sát để bù đắp kiến thức cho các em học bị hổng khi đi học trực tiếp.

Làm tốt công tác tuyên truyền để cha mẹ phụ huynh học sinh đồng thuận cùng ngành Giáo dục khi cho học quay trở lại trường học trực tiếp.

Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống dịch cho các đơn vị giáo dục, trong đó, đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên khi quay trở lại trường học trực tiếp.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/72872/dam-bao-phong-chong-dich-khi-to-chuc-hoat-dong-day-hoc-truc-tiep.html