Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Là bệnh viện chuyên khoa hạng III cấp tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh hiện có 83 cán bộ, viên chức; có 6 khoa lâm sàng, cận lâm sàng; 5 phòng chức năng; quy mô 120 giường bệnh. Từ 1-1-2021, Bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Bác sĩ Trần Huy Đoàn, Giám đốc Bệnh viện... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Là bệnh viện chuyên khoa hạng III cấp tỉnh, Bệnh viện Mắt tỉnh hiện có 83 cán bộ, viên chức; có 6 khoa lâm sàng, cận lâm sàng; 5 phòng chức năng; quy mô 120 giường bệnh. Từ 1-1-2021, Bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Bác sĩ Trần Huy Đoàn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để bệnh viện bảo đảm việc tự chủ thành công theo định hướng chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện, được nhân dân và người bệnh tin tưởng thì mỗi cán bộ, viên chức, người lao động trong Bệnh viện phải tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về y đức, luôn thương yêu, quan tâm người bệnh. Hiện nay, hệ thống trang thiết bị của bệnh viện đáp ứng tốt cho công tác khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế như: Máy phẫu thuật Phaco, máy chụp OCT, máy Laser YAG, máy đo nhãn áp không tiếp xúc, máy siêu âm AB. Thời gian qua, Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu; tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật của Bệnh viện thực hiện theo phân tuyến của Bộ Y tế đạt trên 90%. Năm 2020, Bệnh viện đã thực hiện khám cho hơn 38 nghìn lượt bệnh nhân (trong đó, bệnh nhân có Bảo hiểm y tế (BHYT) là trên 34 nghìn lượt), tổng các nguồn thu đạt trên 43 tỷ đồng (trong đó, thu BHYT hơn 30 tỷ đồng). Qua 3 tháng triển khai hoạt động theo cơ chế tự chủ, nguồn thu chính của bệnh viện là từ BHYT qua các dịch vụ khám chữa bệnh (KCB). Vì vậy, để phát triển bền vững, tạo niềm tin cho người bệnh và nhân dân, bệnh viện tiếp tục đổi mới thái độ phục vụ theo phương châm “Tất cả vì người bệnh - phục vụ bằng cả trái tim”. Nâng cao chất lượng chuyên môn trong điều trị, đổi mới, cải thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thực hiện quy trình KCB hợp lý, giải quyết mọi thắc mắc, phiền hà của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Tăng cường cử cán bộ đi học những kỹ thuật chuyên sâu do Bệnh viện Mắt Trung ương, Trung tâm đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội chuyển giao; khuyến khích cán bộ, viên chức có các công trình nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng công tác KCB tại Bệnh viện. 3 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên, Bệnh viện đạt và vượt chỉ tiêu KCB theo kế hoạch đề ra; trong đó, triển khai khám ngoại trú trung bình 150/lượt bệnh nhân/ngày; phẫu thuật cho trên 1.000 bệnh nhân theo phương pháp kỹ thuật cao.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp với Sở Y tế tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, góp phần an sinh xã hội. Hiện nay, độ bao phủ BHYT tại các địa phương trong tỉnh ngày một tăng (toàn tỉnh đạt trên 91% người dân có thẻ BHYT), số lượng cơ sở y tế tham gia công tác KCB BHYT ngày một nhiều (toàn tỉnh có trên 300 cơ sở KCB BHYT). Để bình ổn Quỹ BHYT, BHXH tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh giao Dự toán chi KCB BHYT năm 2020 (theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ) cho các cơ sở được ký KCB BHYT trong toàn tỉnh; đến hết năm 2020, BHXH tỉnh đề nghị BHXH Việt Nam quyết toán chi KCB là 1.272 tỷ 172 triệu đồng. BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế hoàn thiện lắp đặt máy tính, cài đặt phần mềm, kết nối dữ liệu của các cơ sở KCB BHYT với ngành BHXH phục vụ cho công tác giám định BHYT điện tử theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động đã giúp cho cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử KCB của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trong phạm vi toàn tỉnh, giúp cho việc thanh toán chi phí KCB BHYT hiệu quả, kịp thời. Để nâng cao chất lượng KCB cho người có thẻ BHYT, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị quản lý tốt việc KCB BHYT, thực hiện minh bạch, công khai, không để xảy ra tình trạng trục lợi quỹ BHYT, lạm dụng kỹ thuật và thuốc chữa bệnh. Triển khai các biện pháp hiệu quả để kiểm soát việc thực hiện các quy trình chuyên môn, kỹ thuật, chống lạm dụng thuốc, kỹ thuật, xét nghiệm, sử dụng kỹ thuật của các máy, trang thiết bị xã hội hóa trong quá trình KCB; đảm bảo quyền lợi của người bệnh và cân đối quỹ BHYT toàn tỉnh. 100% đơn vị KCB BHYT trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc phổ biến, quán triệt nội dung “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử và Quyết định 2151/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin của người bệnh, giảm đáng kể phiền hà cho bệnh nhân. Huyện Hải Hậu hiện có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,36%; có 24 xã, thị trấn đạt trên 95% như: Hải Bắc 99,31%; Hải Phúc 98,46%; Hải Nam 98,29%; Hải Xuân 97,15%... Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, Ban chỉ đạo thực hiện lộ trình BHYT toàn dân huyện Hải Hậu chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và tư nhân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; từng bước đảm bảo tốt hơn trong công tác quản lý KCB và thanh toán BHYT. 100% trạm y tế đã thành thạo trong việc quản lý, thanh quyết toán KCB BHYT qua phần mềm theo quy định của Bộ Y tế. Mạng lưới các phòng khám Đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn huyện đã có những đóng góp tích cực trong công tác KCB cho nhân dân. Về nguồn nhân lực y tế, toàn huyện có 315 cán bộ, trong đó trình độ đại học và trên đại học là 148 người; 7 phòng khám Đa khoa tư nhân. Đến hết năm 2020, các cơ sở y tế đã khám cho trên 341.500 lượt người; trong đó 286.163 lượt người KCB BHYT, chiếm 83,8%. Trong năm 2020, bệnh viện Đa khoa huyện đã khám cho 240.494 lượt người, đạt trên 180% chỉ tiêu kế hoạch năm. Số bệnh nhân điều trị nội trú là 35.857 lượt bệnh nhân, đạt 143,26% chỉ tiêu kế hoạch năm; tổng số ngày điều trị nội trú là 182.777 ngày, đạt 104,32% chỉ tiêu kế hoạch năm; thực hiện 1.586 ca phẫu thuật ngoại khoa, không để xảy ra tai biến, tử vong; công suất sử dụng giường bệnh đạt 104%.
Theo Luật BHYT, từ ngày 1-1-2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến. Cụ thể, người có thẻ BHYT khi đi KCB trái tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám đúng tuyến với các tỷ lệ sau: Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước; tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.
Đồng chí Nguyễn Cửu Long, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan hữu quan tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện, nâng cao chất lượng công tác KCB trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tốt quyền lợi người bệnh; chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. Kiểm tra hiệu quả công tác KCB BHYT của các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn theo phân cấp quản lý Nhà nước, nhất là các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh nâng cao tinh thần phục vụ và chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Triển khai đồng bộ Hệ thống thông tin giám định BHYT, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ sở y tế, cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám định hồ sơ chi phí KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát chi phí, chống lạm dụng và trục lợi quỹ KCB BHYT. Phối hợp với Sở Y tế tham gia vào các khâu của quá trình đấu thầu mua sắm thuốc; kiểm soát chặt chẽ chi phí vật tư y tế tiêu hao, đặc biệt là các vật tư có giá cao, tái sử dụng. Thực hiện thẩm định nguyên nhân vượt quỹ KCB BHYT tại các cơ sở KCB BHYT; báo cáo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan BHXH và các ngành liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, tăng diện bao phủ BHYT; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn, nhất là chi KCB tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đảm bảo sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân./.
Bài và ảnh:Việt Thắng