Đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản
Là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO ghi danh, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành động lực cho du lịch Ninh Bình phát triển, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng... Việc phát triển du lịch trong vùng di sản đã khiến người dân phải thay đổi chiến lược sinh kế theo hướng phụ thuộc hơn vào ngành dịch vụ và tài nguyên du lịch.
Cũng như bao người dân xã Ninh Xuân (Hoa Lư) trước kia gia đình anh Hà Văn Bắc chỉ sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Từ khi danh thắng Tràng An được đưa vào khai thác du lịch gia đình anh Bắc và hầu hết các hộ dân trong xã đã chuyển sang cung cấp các dịch vụ gắn với du lịch như: chèo thuyền, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, thuyết minh viên, nhân viên làm việc nhà hàng, khách sạn, kinh doanh lưu trú tại gia, bảo vệ...
Anh Bắc nhớ lại: Từ đầu những năm 2000, khách du lịch đã đến tham quan ở Danh thắng Tràng An rất đông nhưng mạnh nhất là từ năm 2014 đến nay, khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là di sản thế giới, lượng khách đến Tràng An vào mùa cao điểm có ngày lên đến hàng chục nghìn lượt người. Những người lái đò như chúng tôi phải mang cơm nắm đi ăn để kịp phục vụ du khách.
Cũng nhờ du lịch, bộ mặt nông thôn ở Ninh Xuân đã thực sự thay đổi, nhiều gia đình nhờ chở đò, phục vụ khách du lịch mà thoát nghèo, xây dựng được nhà ở kiên cố. Không còn phải chân lấm tay bùn vất vả mưu sinh nên mọi người rất trân trọng và có ý thức bảo vệ thật tốt tài nguyên cảnh quan để phục vụ du khách.
Cũng nhờ làm các dịch vụ phục vụ du lịch anh Bắc đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang. Nhận thấy tiềm năng phát triển của du lịch Ninh Bình, mới đây gia đình anh Bắc đã xây thêm 7 phòng nghỉ và công trình phụ trợ để phục vụ khách lưu trú ngày càng tốt hơn. Từ một người nông dân hiền lành, thuần phát anh Bắc cũng như nhiều người ở Ninh Xuân đã trở thành những "sứ giả" bảo vệ di sản và truyền thông điệp về sự thân thiện, mến khách của du lịch Ninh Bình đến bạn bè năm châu.
Nhiều người dân tham gia làm thuyết minh viên tại các điểm du lịch.
Du lịch phát triển không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây mà còn góp phần khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Là một người con sinh ra ở Ninh Hải và có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống, chị Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang cho biết: Năm 1994, cả xã Ninh Hải chỉ có khoảng 10 hộ làm thêu tay nhưng với mục đích là gia công sản phẩm cho các công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ.
Nhờ du lịch phát triển hàng trăm hộ trong xã đã khôi phục và phát triển nghề thêu ren truyền thống. Các sản phẩm thêu của Văn Lâm được khách du lịch mang đi khắp nơi trên thế giới, nhất là sau năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản thế giới khách du lịch quốc tế tăng mạnh, nghề thêu truyền thống của Văn Lâm cũng dần thích nghi theo hướng phục vụ du lịch.
Hoạt động du lịch đã trở thành kênh xúc tiến thương mại quan trọng để nhiều công ty xuất, nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên thế giới biết đến nghề "thêu ren Ninh Hải" và tìm về đặt hàng, thu mua sản phẩm. Hiện nay Công ty TNHH thêu Minh Trang đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn. Sản phẩm của Công ty xuất đi các nước châu Âu và các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đặc biệt, hoạt động du lịch phát triển trong thời gian qua đã giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ môi trường trong vùng di sản.
Đây là kết quả của việc lồng ghép và quán triệt các văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vào trong hương ước của các xã; các lớp tập huấn về bảo vệ di sản và môi trường cảnh quan cho cư dân, đặc biệt ở các xã vùng lõi.
Ông Hoàng Đình Ba, người dân xã Trường Yên (Hoa Lư) cho biết: Gia đình tôi đã kinh doanh ở khu vực Cố đô Hoa Lư được gần 20 năm nay. Trước đây khi chưa có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền, dịp lễ hội hàng năm tình trạng ăn xin, chèo kéo, tranh giành khách mua hàng, ép khách chụp ảnh... diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là kinh doanh ăn uống vẫn thiếu tính chủ động, chưa chú trọng đến việc xử lý rác thải. Vào mùa lễ hội, lượng rác thải tăng lên đột biến do lượng khách đông và được gom, xử lý, đốt ngay trong vùng lõi di sản. Điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và gây mất mỹ quan du lịch.
Tuy nhiên, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản, Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt thì hầu hết các tồn tại trên đã dần được khắc phục, đặc biệt là tình trạng ăn xin, chèo kéo khách mua hàng, chụp ảnh... đã được giải quyết triệt để.
Các hộ dân kinh doanh ở khu vực Cố đô cũng đã bảo nhau để có biện pháp xử lý rác thải tập trung, không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn, văn minh trong các hoạt động dịch vụ du lịch mỗi mùa lễ hội. Đồng thời các hộ dân sống trong vùng di sản như chúng tôi cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn của chính quyền địa phương và các ngành từ đó nâng cao ý thức bảo vệ di sản để khai thác du lịch bền vững.
Để du lịch có đủ điều kiện phát triển một cách bền vững và góp phần gìn giữ Quần thể danh thắng Tràng An mãi là tài sản vô giá của nhân loại, đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền, không chỉ dành cho lao động trực tiếp mà cần được thực hiện trên diện rộng, cho cả chính quyền, dân cư địa phương và các doanh nghiệp có liên quan nằm trong khu vực di sản để nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi tương tác với môi trường di sản, thực hành các hành động có trách nhiệm với di sản.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Cao Tấn: Phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo. Chính vì vậy, các quốc gia và địa phương có di sản phải tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn, chân xác của di sản.
Một trụ cột quan trọng trong hoạt du lịch di sản bền vững là đảm bảo sự tham gia của người dân địa phương thông qua việc tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương và gia đình của họ. Và chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành cùng với di sản.