Đảm bảo tính linh động trong bố trí nguồn lực phòng, chống ma túy đến năm 2030
Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Cần giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ
Cùng đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) cho rằng, tổng vốn đầu tư dành cho Chương trình còn thấp, đề nghị tăng ở nguồn ngân sách trung ương và nhất là tăng kinh phí cho các dự án, tiểu dự án do các bộ, ngành chủ trì.
Đặc biệt là cần tăng kinh phí cho Bộ Y tế để triển khai các hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy trong cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cũng đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo tiến độ; đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng và triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình.
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đề nghị Bộ Công an quan tâm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát, thống kê, cập nhật số liệu qua đó quản lý tốt hơn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, ưu tiên, bố trí kinh phí cho công tác đấu tranh, công tác xác định tình trạng nghiện, cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Quan tâm tới việc triển khai các dự án cụ thể, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho rằng, Dự án 2 về ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy rất phù hợp, kịp thời với xu hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa trong việc quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi.
Việc sử dụng công nghệ để khoanh vùng, tìm kiếm thông tin đối tượng theo thời gian, xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến người nghiện ma túy là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa ra yêu cầu xem xét ngoài việc đầu tư xây dựng phần cứng, phần mềm theo dự thảo, cần phải có giải pháp tăng cường việc ứng dụng công nghệ và triển khai hiệu quả.
Đảm bảo triệt phá 100% điểm, tụ điểm nguy cơ bán lẻ ma túy
Phát biểu giải trình ý kiến các đại biểu về nguồn vốn thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, rà soát, tính toán từng nội dung, từng nhiệm vụ để đề xuất bố trí nguồn lực, giải quyết các vấn đề cấp bách, trước mắt và đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, tránh dàn trải.
Ngoài ra, cũng để đảm bảo tính linh động trong bố trí nguồn lực thực hiện chương trình, trong quá trình điều hành, các cơ quan được giao thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình sẽ tham mưu cho Chính phủ và sẽ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để phù hợp với điều kiện thực tế và sẽ báo Quốc hội ưu tiên hỗ trợ thêm nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình.
“Chúng tôi sẽ tham mưu đề xuất báo cáo Chính phủ và xin Quốc hội bổ sung để làm sao chúng ta đảm bảo được tính bền vững trong chương trình đấu tranh phòng, chống ma túy. Về nguyên tắc phân bổ vốn, chúng tôi đã tính toán dựa trên nguyên tắc phân bổ vốn được áp dụng cho cả ba chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay” - Bộ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ.
Về ý kiến một số đại biểu lo ngại chỉ tiêu đặt ra trong mục tiêu của Chương trình cao, khó khả thi, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, trong quá trình xây dựng, đã nghiên cứu, phân tích, đồng thời đánh giá rất kỹ lưỡng các mục tiêu trên cơ sở thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy.
“Quan điểm của chúng tôi, đây là chỉ tiêu mang tính nguyên tắc và bắt buộc phải thực hiện, có tính khả thi. Ví dụ như chỉ tiêu triệt phá các điểm, tụ điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Đây cũng là chỉ tiêu mà Bộ Công an đang chỉ đạo và giao cho công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Khi phát hiện có điểm, tụ điểm nguy cơ về ma túy thì phải triệt phá bằng được trong thời gian 90 ngày. Đây là chỉ tiêu bắt buộc” - Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.