Đảm bảo trang trọng, an toàn dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Đại lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 với yêu cầu trang trọng, an toàn tuyệt đối với nhiều điểm mới. Đây là sự kiện tầm vóc quốc gia, không chỉ khẳng định vị thế và thành tựu nổi bật của Việt Nam mà còn hứa hẹn một đại lễ thành công tốt đẹp, đầy ý nghĩa trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại hội nghị sau khi nghe các Bộ, ban, ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội báo cáo về công tác chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Phó Thủ tướng Chính Phủ Mai Văn Chính đánh giá cao các Bộ, ban ngành và Hà Nội đã triển khai hết sức khẩn trương, nhằm đáp ứng ý nghĩa, yêu cầu và mục đích đã đề ra.

Ông Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh, đây là một đại lễ tầm vóc quốc gia mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, kỷ niệm 80 năm thành lập nước sau Cách mạng tháng Tám. Đại lễ được tổ chức với quy mô rất lớn, dự kiến mời 30.000 người tham dự tại một quảng trường có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một sự kiện trọng đại hiếm có trong lịch sử. Sự kiện này không chỉ có sự góp mặt của người dân mà còn nhiều nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trên thế giới tham dự.
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đặc biệt nhấn mạnh, sự kiện được tổ chức phải đảm bảo trang trọng, an ninh, an toàn tuyệt đối là phải đặt lên hàng đầu, từ khâu chuẩn bị, thi công cho đến các hoạt động diễu binh, diễu hành, tất cả đều phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau lễ.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, trong đó yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ và ngành liên quan để hoàn thiện đề án, kế hoạch và triển khai các công việc tiếp theo, đồng thời đề nghị Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho việc tổ chức triển lãm các thành tựu của đất nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn thiện và ban hành đề án diễu binh, diễu hành, đồng thời tổ chức tốt việc tập luyện, hợp luyện và tổng duyệt và báo cáo Thủ tướng về kế hoạch này trước ngày 15 tháng 7.
Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện kịch bản điều hành chương trình nghệ thuật đặc biệt, các hoạt động kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; Đài truyền hình Việt Nam khẩn trương tham mưu kịch bản truyền hình sao cho xứng tầm với sự kiện; Bộ Ngoại giao theo dõi và sắp xếp việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế, đặc biệt là các nguyên thủ quốc gia; Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm phát giấy mời đến các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tham dự lễ kỷ niệm, đồng thời đề nghị các bộ ngành và thành phố Hà Nội cần chủ động, phân công nhiệm vụ rõ ràng, và thường xuyên phối hợp để giải quyết công việc, tránh tình trạng chờ đợi.
Các chương trình nghệ thuật là chương trình nghệ thuật đặc biệt, phải kế thừa và đổi mới để tạo sự đặc sắc, không trùng lắp.
Ngoài sự các chương trình nghệ thuật, có một chuỗi sự kiện khác là triển lãm trưng bày những thành tựu nổi bật nhất trong 80 năm qua cũng rất quan trọng.
Liên quan đến khách mời và phục vụ nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đề nghị cần có quy định cụ thể, rút kinh nghiệm từ đại lễ 50 năm khi nhu cầu tham dự của người dân rất lớn nhưng không thể đáp ứng. Ông nhấn mạnh cần ưu tiên và phục vụ tốt những người có công với đất nước, những người đã tham gia kháng chiến. Mục tiêu là sắp xếp để phục vụ tốt nhất cho tất cả những người có nhu cầu chiêm ngưỡng đại lễ, không chỉ giới hạn trong 30.000 khách mời chính thức.
“Khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành và Hà Nội. Tất cả hướng tới một đại lễ 80 năm Quốc khánh thật sự trang trọng, an toàn, và để lại dấu ấn lịch sử sâu sắc. ông Mai Văn Chính nêu rõ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, với vai trò, trách nhiệm của Thủ đô trong 3 nhiệm vụ chính được Trung ương giao trong Lễ kỷ niệm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng nhận thức rõ đây vừa là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất tự hào đối với Thủ đô. Do vậy, sau khi có sự phân công công việc từ Trung ương, TP. Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc ngay và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, trên tinh thần chủ động vào cuộc, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU và xây dựng các kế hoạch tổng thể, chi tiết về Lễ kỷ niệm với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ” và bám sát đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy đã thành lập Ban Tổ chức do Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban và 6 Tiểu ban giúp việc để triển khai nhiệm vụ. Theo đó, đối với các nhiệm vụ mà Trung ương giao cho Hà Nội đến nay đều đảm bảo thời gian và tiến độ.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, TP Hà Nội sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến mà ban, bộ, ngành nêu và tiếp tục phối hợp với các đơn vị và thực hiện tốt các công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm diễn ra đảm bảo đúng tiến độ và an toàn.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Trung ương những ngày lễ lớn Nguyễn Trọng Nghĩa, biểu dương nỗ lực và sự phối hợp chủ động của các bộ ngành, đồng thời tin tưởng sự kiện sẽ thành công tốt đẹp dựa trên kinh nghiệm tổ chức các đại lễ trước đây.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh về những điểm mới và yêu cầu đại lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh sẽ có nhiều điểm mới, nổi bật là chỉ có một bài phát biểu của lãnh đạo cao nhất, sau đó là hoạt động diễu binh, diễu hành cũng được tổ chức với nhiều nét mới, vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm trình chương trình điều hành lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành ngay trong tháng 7.
Đối với kịch bản cần rà soát kỹ lưỡng câu từ, nội dung và xác định rõ trách nhiệm của đơn vị. Với tầm quan trọng của đại lễ, nên kịch bản có lời bình, lời tường thuật sử dụng "ngôn ngữ chính thống, chính luận", tránh dùng từ ngữ nghệ thuật, nếu cần có thể tham khảo ý kiến chuyên gia lịch sử. Đối với bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần tính toán kỹ thời lượng phù hợp, ngôn ngữ thể hiện mang thông điệp đổi mới.
Liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối được đặt lên hàng đầu. Đồng thời đề nghị Bộ Công an vào cuộc nhanh để kiểm soát an ninh, đặc biệt ưu tiên bảo vệ các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo. Lực lượng công an cơ sở phải "rà soát từ sớm, từ xa, từ trong nhân dân" và công tác này phải được đảm bảo xuyên suốt quá trình từ thi công sân khấu, khán đài, ghế ngồi, có sự kiểm soát của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, phải phối hợp chặt chẽ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, “đại lễ dự kiến đón hơn 30.000 người tham dự và được sắp xếp ghế ngồi. Sự kiện này là ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước, thậm chí nhiều khách quốc tế được giới thiệu trang trọng”.

Các thành viên Ban chỉ đạo báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ các mốc thời gian báo cáo Ban Thường trực các ngày lễ lớn: Trước 15/7 phải trình danh sách khách mời trong nước; trong tháng 7 trình chương trình điều hành lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; trước 30/7 hoàn thiện nội dung diễu binh, diễu hành; trước 20/8 hoàn thành thi công sân khấu, chỗ ngồi và gửi giấy mời kèm thẻ đại biểu; ngày 21 và 24/8 tổ chức luyện tập; ngày 27/8 sơ duyệt; ngày 30/8 tổng duyệt (yêu cầu có giấy mời); ngày 02/9 đại lễ chính thức (yêu cầu chặt chẽ, đúng quy định).
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội được phân công nhiệm vụ cụ thể và có thời hạn rõ ràng; Bộ Quốc phòng hoàn thiện nội dung diễu binh, diễu hành trước ngày 30/7, phối hợp với Hà Nội tổ chức thi công sân khấu, chỗ ngồi, hoàn thành trước ngày 20/8, đồng thời yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra kết cấu, chất lượng, tải trọng; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an kiểm soát an ninh, an toàn ngay từ khi thi công đến lúc hoàn thành.
Bộ Ngoại giao, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan mời đại biểu quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài tham dự và tác nghiệp theo đúng nghi thức ngoại giao. Văn phòng Trung ương Đảng lập danh sách khách mời trong nước (lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại biểu) trình trước ngày 15/7. Hoàn thành việc gửi giấy mời kèm thẻ đại biểu, phù hiệu, thông tin chỉ dẫn trước ngày 20/8.
“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ, đại lễ kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 hứa hẹn sẽ là sự kiện trọng đại, ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam, khẳng định vị thế và thành tựu của đất nước sau 80 năm độc lập”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.