Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới
Ngày 21-12-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh. Tại tỉnh Bình Phước, ngày 15-1-2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền ký ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ với 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thực tế hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến. Không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến học sinh khiến người bị thương nặng, người tử vong để lại sự xót xa, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vậy, vì sao tồn tại thực trạng và hệ lụy nêu trên, đâu là giải pháp để kiềm chế thấp nhất TNGT đối với lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh?
Bài 1
KHÓ KHĂN HAY THIẾU TRÁCH NHIỆM?
Trong cuộc sống hối hả, bận rộn có thể nhiều phụ huynh không có điều kiện về kinh tế, thời gian để lo cho con đến trường một cách chu toàn. Tuy nhiên, việc mua mũ bảo hiểm, xe đạp điện hoặc xe máy dưới 50cm3 (50cc) để con đi học đảm bảo an toàn, đúng luật là điều không khó. Thế nhưng hằng ngày, số phụ huynh chở con đi học, không đội mũ bảo hiểm cho con còn khá phổ biến. Học sinh chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe phân khối lớn đến trường còn không ít.
Vì vội nên quên!?
Cuối giờ chiều mỗi ngày, hầu hết tại cổng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Đồng Xoài đông nghẹt phụ huynh cùng phương tiện các loại đón con em mình. Hồi trống tan trường vang lên cũng là lúc phụ huynh dồn về cổng trường càng đông. Không khó để bắt gặp những trường hợp phụ huynh chở 2-3 học sinh nhưng không cháu nào được đội mũ bảo hiểm, hoặc cháu có cháu không.
Chiều 22-4, tại cổng Trường tiểu học Tân Phú B, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, một phụ nữ khoảng 40 tuổi, nhà ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đi xe tay ga đến đón con. Cả 2 con của chị nhanh chóng lên xe và các bé đều không có mũ bảo hiểm. Khi được hỏi: “Vì sao chị đội mũ bảo hiểm cho mình mà không đội mũ cho các cháu? Sau giây phút ngại ngùng, chị đáp: “Vợ chồng lo đi làm, do vội quá nên tôi quên. Lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm”. Cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) trực tiếp làm việc với chị nói giọng nghiêm khắc: “Từ đây về tới Cầu Hai khoảng 6km, phải đi qua quốc lộ 14 và vòng xoay ngã tư Đồng Xoài có rất nhiều phương tiện, giờ cao điểm càng nguy hiểm, nếu không may xảy ra tai nạn thì hệ lụy khó lường. Đề nghị chị rút kinh nghiệm, không những vi phạm pháp luật, chị còn đang thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng con mình”.
Tại cổng các trường THCS Tiến Thành và tiểu học Tân Bình B, TP. Đồng Xoài, nhiều phụ huynh cũng không đội mũ bảo hiểm cho con với lý do nhà gần trường, hoặc tranh thủ công việc rồi tiện thể đón con nên quên không mang.
Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau môtô, xe gắn máy. Hành vi chở người không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng. Việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trước hết hình thành thói quen tuân thủ pháp luật từ nhỏ cho trẻ. Nếu không may xảy ra TNGT, mũ bảo hiểm sẽ hạn chế tác động vào vùng đầu, cổ, giảm chấn thương sọ não, giảm nguy cơ dẫn đến tử vong. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em thiệt mạng vì TNGT, chủ yếu do không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy. Vì vậy, cha mẹ, gia đình cần có trách nhiệm đối với sức khỏe, tính mạng của con em mình, trước khi quá muộn.
Nan giải việc quản lý học sinh đi môtô
Những ngày đầu tháng 4-2024, các tổ công tác thuộc Trạm CSGT Đồng Phú, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Phước liên tục tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp học sinh bậc THPT chưa đủ tuổi theo quy định nhưng điều khiển môtô đi học. Tại cổng các trường THPT Đồng Xoài, Hùng Vương, Nguyễn Du (TP. Đồng Xoài), trung bình mỗi ca làm việc, tổ công tác xử lý khoảng 10 trường hợp vi phạm. Chia sẻ với phóng viên, một số em học tại Trường THPT Hùng Vương cho biết: Vì nhà ở xa (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) cách trường khoảng 10km. Nếu ở trọ sẽ tốn kém kinh tế gia đình. Nếu đi xe đạp điện hoặc xe máy dưới 50cc sẽ trễ học vì các loại phương tiện này đi chậm, lên dốc yếu. Do vậy, gia đình mua xe môtô cho con đi học cấp 3, sau này lên đại học, không phải mua xe nữa.
Có em chia sẻ, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền mua xe đạp điện, xe máy dưới 50cc nên thường nhờ bạn chở đi. Tuy nhiên hôm nay, vì bố mẹ không dùng đến xe môtô nên em mượn đi học… Phần lớn các em thường nêu những lý do tương tự.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng sĩ diện bản thân, đua đòi theo chúng bạn. Cụ thể, ngày 9-4, tổ công tác tuần tra, kiểm soát khu vực cổng Trường THPT Đồng Xoài. Trong số những trường hợp bị xử lý vi phạm có nam sinh tên N.V.T, học lớp 10, nhà ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài, hoàn cảnh cha bỏ đi, mẹ hằng ngày bán vé số. Dù vất vả song chị H.T.H - mẹ của T vẫn cố gắng mua chiếc xe máy dưới 50cc cho con đi học. Tuy nhiên, vì thấy một số bạn điều khiển xe môtô đi học nên T đổi xe của mình lấy xe môtô của mẹ đi cho bằng bạn. Đang bán vé số, nghe con trai gọi điện thông báo sự việc, chị H hớt hải chạy tới với vẻ lo lắng, rồi trình bày hoàn cảnh gia đình với tổ công tác, xin được bỏ qua, song không được chấp nhận. Hằng ngày, kiếm tiền nuôi con ăn học đã khó khăn, nay cả hai mẹ con bị phạt và bị tạm giữ xe môtô khiến chị H hết sức lo lắng.
Thực tế nhiều năm trước, nhà trường đã không giữ xe môtô của học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe môtô. Tuy nhiên, để các em gửi xe ở bên ngoài phát sinh nhiều hệ lụy như: nguy cơ tiếp cận một số thành phần, đối tượng thanh niên hư bên ngoài; nguy cơ sử dụng rượu, bia, ma túy, vi phạm pháp luật. Hoặc có em bỏ học về sớm, hay đi đâu nhà trường không quản lý được. Do vậy, cân nhắc giữa được và mất, nhà trường vẫn tạm thời để các em đưa xe vào trường để quản lý chung.
Thầy NGUYỄN NĂNG ÐỒNG,
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, TP. Ðồng Xoài
Một phụ huynh ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài có con học tại Trường THPT Nguyễn Du phân trần: Để cho con đi xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, gia đình cũng rất lo. Tuy nhiên, nhiều khi gia đình bận, không chở con đi học hằng ngày được. Nếu mua xe máy hay xe đạp điện cũng lỡ cỡ vì nay con học lớp 12 rồi...
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng. Hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện (theo quy định tại khoản 1 Điều 58, Luật Giao thông đường bộ) điều khiển xe tham gia giao thông, bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, phạt từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô.