Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ ở huyện Đakrông được đẩy mạnh với nhiều giải pháp tích cực và đạt được kết quả đáng kể. Nhờ vậy, nhiều người dân ở địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường bộ, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Huyện Đakrông có 3 tuyến quốc lộ (QL9, QL15D và đường Hồ Chí Minh) đi qua kết nối với các huyện: Cam Lộ, Hướng Hóa, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) và nước bạn Lào tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn chủ yếu vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như: lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ để mở đường ngang dân sinh, xây nhà và lều quán tạm, dựng lán buôn bán dọc hành lang đường bộ; điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, sử dụng phương tiện xe mô tô chưa đủ tuổi theo quy định, phương tiện không đảm bảo điều kiện kỹ thuật khi tham gia giao thông...
Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết: “Để bảo đảm TTATGT trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo kiện toàn Ban ATGT từ huyện đến xã. Hằng năm, UBND huyện, Ban ATGT huyện ban hành các kế hoạch triển khai công tác bảo đảm TTATGT và các văn bản chỉ đạo chuyên đề để triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT như: tăng cường công tác tuyên truyền về ATGT và đầu tư các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng giao thông nhằm xóa dần các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông”.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trên địa bàn huyện được đẩy mạnh, đa dạng hình thức thực hiện nhằm xây dựng nếp sống văn hóa cho người dân tham gia giao thông.
Riêng trong 2 năm 2021, 2022, huyện tổ chức 2 lượt tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường bộ lưu động, 18 lượt tuyên truyền trực quan cho gần 4.000 lượt người. Xây dựng mô hình cổng trường ATGT tại trường THPT Đakrông. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trên địa bàn được tuyên truyền về các nội dung liên quan đến ATGT.
Tổ chức 16 lượt ký cam kết cho các đối tượng thường xuyên vi phạm TTATGT trên địa bàn; tổ chức ký cam kết cho 90 trường hợp vi phạm, phổ biến là các thanh thiếu niên từ 16 - 30 tuổi. Xây dựng 110 tin, bài, phóng sự với khoảng 350 lượt tuyên truyền phát trên sóng phát thanh từ huyện đến cơ sở, đăng tải trên trang thông tin điện tử huyện, trang mạng xã hội.
Đặc biệt vào tháng cao điểm về ATGT, mở chuyên mục về ATGT 1 lần/tuần, số lượng tin, bài, phóng sự về ATGT được tăng cường và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phối hợp với Chi cục II.5, Trạm Cảnh sát giao thông Đường 9 giải quyết và đảm bảo TTATGT khi có sự cố giao thông trên các tuyến quốc lộ; tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nhiều hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa thuận lợi.
Từ năm 2021 - 2022, trên địa bàn huyện đã triển khai khắc phục, sửa chữa 24 công trình đường, cầu, cống hư hại do bão lụt, tổng kinh phí trên 14,6 tỉ đồng. Khởi công mới dự án nâng cấp đường Nguyễn Trãi, đường vào bãi rác thị trấn Krông Klang.
Hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường liên xã Đakrông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng với tổng mức đầu tư hơn 41 tỉ đồng. UBND các xã cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đối với các tuyến đường xã. UBND huyện chỉ đạo Ban ATGT các xã, thị trấn thống kê, lập danh sách các hộ vi phạm và tổ chức ký cam kết không tái phạm. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT đường bộ ở huyện gặp không ít khó khăn, trong đó chủ yếu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Hầu hết các tuyến đường đi qua địa bàn huyện đều có mặt đường hẹp, quanh co, đèo dốc, nhiều điểm thường xuyên sạt lở, ngập nước, gây ùn tắc giao thông vào mùa mưa lũ.
Số lượng các loại phương tiện giao thông, nhất là các loại phương tiện có trọng tải lớn... qua lại trên địa bàn ngày càng nhiều, trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn lạc hậu, nhiều điểm còn bất cập, xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển KT-XH và đi lại của người dân.
Ông Thái Ngọc Châu cho biết thêm: “Để công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn huyện triển khai thực hiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, QP-AN, huyện đề nghị các cấp, các ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa cải tạo một số tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện.
Hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền về ATGT tại các địa phương, các cơ quan chức năng ban hành tài liệu, hình ảnh tuyên truyền; trang bị phương tiện, thiết bị cho các lực lượng chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT. Tổ chức rà soát, lắp đặt các công trình đường bộ còn thiếu, hoặc chưa hợp lý; lắp đặt bổ sung các biển cảnh báo TNGT ở các đoạn đường có nguy cơ TNGT trên tuyến.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công các công trình đường bộ, không để xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông ở những đoạn đường đang thi công.
Trạm Cảnh sát giao thông, thuộc Phòng PC08 Công an tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phương tiện xe mô tô trên tuyến Quốc lộ 9, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm các lỗi có nguy cơ dẫn đến TNGT gây ra nguy hiểm cho các phương tiện khác tham gia giao thông trên tuyến”.