Đảm bảo tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp vùng giáp ranh
Ngày 19/6, ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và Phú Yên, từ tháng 11/2016-2/2024, tại vùng giáp ranh thuộc địa bàn các huyện của tỉnh Gia Lai, lực lượng chức năng trên địa bàn các huyện: Krông Pa, Kông Chro, Ia Pa đã tổ chức 143 đợt kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, phát hiện 33 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Trong đó, 3 vụ hình sự, 30 vụ hành chính, diện tích rừng bị phá 41.970m2; lâm sản tịch thu 41,993m3 gỗ các loại, 20 ster và 4.550kg củi; phương tiện bị tịch thu 4 ô tô, 7 xe độ chế và 3 cưa xăng; phạt tiền 71,5 triệu đồng.
Tại vùng giáp ranh thuộc địa bàn các huyện của Phú Yên, lực lượng chức năng trên địa bàn các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đã tổ chức 207 đợt kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, phát hiện 6 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, 6 vụ xử lý vi phạm hành chính, lâm sản tịch thu 26,421m3 gỗ các loại; 4.865kg củi, phương tiện bị tịch thu 1 ô tô.
Ngoài ra, các hạt kiểm lâm, UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng và cơ quan, đơn vị liên quan tại vùng giáp ranh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến người dân. Kết quả, tổ chức 177 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp với 7.753 lượt người tham gia; 191 hộ dân tại các xã giáp ranh trên địa bàn hai tỉnh ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Được biết, tỉnh Gia Lai và Phú Yên có vùng giáp ranh dài 113km, gồm 3 huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa của tỉnh Gia Lai và 3 huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên. Đây là nơi tập trung chủ yếu rừng tự nhiên thường xanh phục hồi gồm nhiều loài gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao; phần lớn có địa hình phức tạp, hiểm trở.
Dân cư vùng giáp ranh, ngoài dân tộc Kinh còn tập trung nhiều đồng bào DTTS tại chỗ (Jrai, Ba Na, Ê Đê) và đồng bào DTTS các tỉnh phía Bắc. Nhìn chung, trình độ dân trí người dân vùng giáp ranh thấp; đời sống còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp là chính, nên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất, chặt cây rừng đốt lấy than, khai thác lâm sản trái pháp luật để lấy gỗ làm nhà.
Từ các yếu tố tự nhiên, KT-XH, hệ sinh thái rừng nêu trên, vùng giáp ranh giữa hai tỉnh có vai trò hết sức quan trọng trong bảo tồn, phát triển truyền thống văn hóa các dân tộc, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm AN-QP, phát triển KT-XH, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn các nguy cơ rừng bị xâm hại cao.