Đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả
Cùng với cả nước, từ ngày 1/7/2025 tỉnh Điện Biên chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, chính quyền hai cấp trên địa bàn tỉnh trong những ngày đầu đã hoạt động thông suốt, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Mường Thanh và đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.
Theo Nghị quyết 1661/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kể từ ngày 1/7/2025 tỉnh Điện Biên có 45 đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động (trong đó có 42 xã, 3 phường).
Trong ngày làm việc đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp, các xã, phường đã đồng loạt tổ chức kỳ họp HĐND lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại xã Mường Phăng, kỳ họp đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết: Ban hành kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026; Quy chế hoạt động của HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026... Kỳ họp được tổ chức đảm bảo đúng hướng dẫn, quy định và thể hiện tinh thần trách nhiệm, chủ động, nghiêm túc của HĐND xã trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Ông Hoàng Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Phăng cho biết: “Kỳ họp thứ nhất với nhiều nội dung đã được HĐND xã thông qua. Đây là những nội dung rất quan trọng kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý Nhà nước. Đảm bảo sự vận hành liên tục, kịp thời; nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong điều hành và hoạt động của bộ máy”.
Cũng trong ngày đầu tiên, cán bộ, công chức tại trung tâm phục vụ hành chính công của 45 xã, phường đã có mặt từ sớm để bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, phục vụ người dân trực tiếp và trực tuyến, không để bị gián đoạn.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Mường Thanh, từ sáng sớm, người dân đến làm thủ tục hành chính khá đông. Với tinh thần “sẵn sàng - chủ động - trách nhiệm - hiệu quả”, các quầy giao dịch được bố trí khoa học, dễ tiếp cận; cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện. Trung tâm đã thực hiện niêm yết, công khai danh mục thủ tục hành chính thuộc địa bàn, phạm vi tiếp nhận; tổ chức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết đảm bảo thông suốt, đúng quy định. Cán bộ, công chức trung tâm tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức nắm bắt kịp thời thông tin, bảo đảm không bị gián đoạn về thực hiện thủ tục hành chính trong thời gian chuyển tiếp.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND phường, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Mường Thanh chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định tinh thần phục vụ nhân dân là trọng tâm. Với phương châm: “kỷ cương, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ”, để đảm bảo việc tiếp nhận thủ tục hành chính diễn ra thông suốt, hiệu quả, phường đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời phân công, bố trí và tập huấn cho cán bộ, công chức. Nhờ vậy, trong ngày đầu tiên làm việc, các hoạt động diễn ra khá thuận lợi. Thời gian tới phường tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để cán bộ nắm rõ hơn, xử lý nhuần nhuyễn quy trình, bảo đảm công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả.
Đến làm giấy khai sinh cho con trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền hai cấp, chị Quàng Thị Thơm, bản Bồ Hóng, phường Mường Thanh chia sẻ: “Tôi được cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp đón nhiệt tình, chu đáo; việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, không làm mất nhiều thời gian. Tôi rất vui, hài lòng về sự đổi mới này”.
Xã biên giới Nà Bủng được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Vàng Đán, Nà Bủng. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, cán bộ, công chức, người lao động đã nỗ lực ngay trong ngày đầu tiên.
Ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Triển khai nhiệm vụ, xã đã ổn định tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc để hệ thống chính trị đi vào hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Xã đã rà soát, bố trí, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; chỉ đạo vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công thông suốt, nỗ lực không để gián đoạn, ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục hành chính và đời sống của nhân dân”.
Thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, nhiều nhiệm vụ vốn thuộc cấp huyện như phòng, chống thiên tai đã được chuyển giao cho cấp xã đảm nhiệm. Tại xã Thanh Nưa, trong những ngày đầu tháng 7, mưa lớn kéo dài khiến nước tại các con suối dâng cao gây ngập úng, gãy một cây cầu, sạt lở đất vùi lấp một số tuyến đường giao thông.

Lãnh đạo xã Thanh Nưa kiểm tra nguy cơ sạt lở, ngập úng do mưa lũ trên địa bàn.
Ông Chu Văn Bách, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Ngay khi nhận thông tin, lãnh đạo xã đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, huy động lực lượng “4 tại chỗ” ứng phó, hỗ trợ, đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của nhân dân. Đồng thời tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân.
Hoạt động thông suốt của chính quyền địa phương hai cấp tỉnh Điện Biên là bước chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và phục vụ người dân tốt hơn. Xuất phát từ thực tiễn và những nhiệm vụ mới, người đứng đầu các xã, phường phải luôn gương mẫu, thể hiện rõ vai trò trung tâm lãnh đạo, giữ gìn kỷ luật hành chính; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng, thích ứng nhanh với công nghệ, xử lý công việc hiệu quả trong bối cảnh dân số đông hơn, địa bàn mở rộng hơn và yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Từ đó, khẳng định sự chủ động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn, xây dựng chính quyền thực sự gần dân, vì dân.