Đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động
Qua thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh có trên 500 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, có 170 doanh nghiệp giải thể và hàng ngàn hộ kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ngành sản xuất may mặc, giày da, chế biến thủy hải sản… chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Cũng trong năm 2021, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện thỏa thuận với người lao động (LĐ) tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương với khoảng 30.000 người.
Lao động làm việc tại Công ty May Thuận Tiến. Ảnh: N.Lân
Đối với doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 4.200 doanh nghiệp/85.000 LĐ, trong đó: Khu công nghiệp có 90 doanh nghiệp/11.000 LĐ; doanh nghiệp FDI có 61 doanh nghiệp/13.000 LĐ, tỉnh không có khu chế xuất. Đến cuối năm 2021, có khoảng 80% doanh nghiệp phục hồi hoạt động/80.000 LĐ; trong quý I/2022 có 100% doanh nghiệp phục hồi hoạt động. Qua nắm thông tin thị trường LĐ, nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung một số ngành, lĩnh vực như: Dệt may, da giày, du lịch - nhà hàng - khách sạn, chế biến thủy hải sản, xây dựng với khoảng 5.000 LĐ. Nguồn tuyển dụng từ số LĐ tự do và số LĐ làm việc ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở về tỉnh.
Để đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về LĐ, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh LĐ. Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt các khủng hoảng về LĐ, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.
Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả Quyết định số 1589 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động tỉnh Bình Thuận” đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường LĐ, việc làm và thu nhập; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường LĐ làm cơ sở cho kết nối cung cầu LĐ bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường LĐ để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân LĐ theo yêu cầu. Đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường LĐ.
Song song, đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân LĐ. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân LĐ. Mặt khác, tham mưu triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân LĐ, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo quy định. Tăng cường tuyên truyền các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân LĐ để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.