Đảm bảo việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi đồng bộ, thông suốt, an toàn, hiệu quả
Sáng nay (04/5), Đoàn giám sát số 1 của HĐND tỉnh do đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát số 1 làm trưởng đoàn đến giám sát công tác đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT cùng lãnh đạo Sở, các phòng trực thuộc Sở và các đơn vị có liên quan tiếp, làm việc với đoàn.
Giai đoạn 2020 - 2022, Sở NN-PTNT thực hiện tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các đơn vị liên quan với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động Nhân dân thống nhất các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng thủy lợi. Thực hiện công tác đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch thủy lợi, đảm bảo tính khả thi, tính kết nối, đồng bộ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 168 công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư xây dựng (02 công trình cấp II, 10 công trình cấp III, 156 công trình cấp IV), trong đó, Sở NN-PTNT đầu tư 60 công trình; có 165 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng và vẫn còn hoạt động, 03 công trình đang triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.
Chủ động rà soát, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình; thường xuyên có văn bản đôn đốc các đơn vị tư vấn giám sát, thiết kế, quản lý dự án phối hợp giám sát thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ và thực hiện nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành; không phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Thực hiện sửa chữa, nâng cấp 141 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, tiến độ thực hiện đạt 100%.
Tham mưu thực hiện phân cấp trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, theo đó, số công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý 1.256 kênh cấp I, cấp II, công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý 2.813 kênh cấp III.
Quản lý, tổ chức thực hiện bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại hóa, xử lý khắc phục sự cố công trình, máy móc, thiết bị; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Triển khai thực hiện việc thuê bãi chứa đất thực hiện dự án nạo vét các tuyến kênh thủy lợi phục vụ sản xuất: có 03 dự án thuê bãi chứa đất với tổng diện tích 63,5ha, kinh phí hỗ trợ di dời, thuê bãi chứa đất 40,410 tỷ đồng với 29 bãi chứa đất thuộc các dự án nạo quét hệ thống kênh trục của Sở. Việc thuê bãi chứa đất góp phần tiết kiệm kinh phí, thủ tục hành chính hơn so với phương án giải phóng mặt bằng do thuê đất của dân.
Từ năm 2018 - 2022, qua kiểm tra có 833 vụ vi phạm, đã xử lý 687 vụ chiếm 82,5% tổng số vụ, còn tồn 146 vụ; riêng năm 2022 đã xử lý 91/125 vụ, chiếm 72,8%, còn tồn 34 vụ.
Bên cạnh những kết quả tích cực còn tồn tại, hạn chế: công tác phối hợp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi có nơi chưa hiệu quả, có công trình chưa phát huy hết công năng, còn để xảy ra vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, xả nước thải vào công trình thủy lợi. Mặt khác, có công trình đầu tư từ nhiều năm trước đến nay đã xuống cấp, bồi lắng, sạt lở… nhưng chưa có giải pháp triệt để để khắc phục, sửa chữa. Còn xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh, công trình, xả chất thải chưa xử lý xuống công trình... ảnh hưởng đến hiệu quả, an toàn và việc duy tu, bảo dưỡng, nạo vét công trình thủy lợi.
Một số công trình, dự án chậm tiến độ hoàn thành, công tác quyết toán một số dự án hoàn thành còn chậm. Phương án bảo vệ công trình thủy lợi còn chậm trình phê duyệt ban hành; việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi từng lúc chưa thực hiện tốt. Công tác điều tiết vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do lịch sản xuất không đồng bộ giữa các huyện, việc xuống giống tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ lịch thời vụ ở một số nơi.
Hiện nay, đối với các tuyến kênh đã nạo vét đa phần xảy ra tình trạng lục bình mọc đầy kênh nhưng nhiều năm chưa có giải pháp xử lý, gây nguy cơ bồi lắng; công tác vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cối 02 bên bờ kênh chưa được quan tâm thực hiện; chưa có giải pháp về hạ độ cao bờ kênh gây bức xúc trong Nhân dân. Trong công tác phối hợp xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, vẫn còn tình trạng tồn đọng nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Dương Thị Ngọc Thơ đề nghị Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi; tổ chức lập nội dung phương án phát triển thủy lợi trong quy hoạch tỉnh; phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thủy lợi đến người dân để có sự đồng tình và phối hợp tốt trong việc vận hành khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi đạt hiệu quả cao nhất.
Thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; rà soát lại hiệu quả của các công trình thủy lợi, đảm bảo việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi đồng bộ, thông suốt và an toàn, mang lại hiệu quả thiết thực cho vấn đề sản xuất của người dân.
Rà soát lại cơ chế phối hợp trong công tác vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo yêu cầu về lịch thời vụ, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đôn đốc, nhắc nhỡ, phối hợp với Hội đồng bồi thường của địa phương, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, kịp thời hoàn thành công tác quyết toán công trình hoàn thành theo quy định.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với việc quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi đúng quy định hiện hành. Xử lý dứt điểm các vụ vi phạm còn tồn đọng.
Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị được giao khai thác bãi chứa bùn để chấn chỉnh các vi phạm; đôn đốc, nhắc nhở đơn vị thực hiện việc thống kê, kiểm kê trữ lượng, lập hồ sơ, sổ sách, chứng từ và xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định.
Đối với các kiến nghị của Sở, đoàn giám sát ghi nhận và kiến nghị đến UBND tỉnh để chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét.
Tin, ảnh: KIM LOAN