Đảm bảo vùng nguyên liệu bền vững cho nhà máy chế biến gỗ lớn nhất Hà Tĩnh
Sáng 28/10, Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y dẫn đầu có buổi làm việc với Công ty TNHH Thanh Thành Đạt về 'công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh'.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng chủ trì buổi làm việc.
Trước đây, các Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Thanh Thành Đạt đóng trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dăm gỗ và gỗ ván thanh với Nhà máy Phổ Hải (Nghi Xuân), Nhà máy Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh).
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, hướng tới nền sản xuất tinh sâu, gần đây, doanh nghiệp đã thành lập thêm Công ty CP Gỗ MDF với công suất 159.000m3 sản phẩm/năm tại Vũ Quang và Công ty CP Gỗ OKAL với công suất 180.000 m3 sản phẩm/năm ở thị xã Kỳ Anh.
Đoàn giám sát kiểm tra tình hình sản xuất, vận hành tại nhà máy gỗ MĐF
Đến thời điểm này, ngoài Công ty CP gỗ OKAL đang tìm kiếm vùng nguyên liệu thì các đơn vị trực thuộc khác đều đang hoạt động tốt.
Đặc biệt, sau 2 năm đầu tư xây dựng, Nhà máy Gỗ MDF ở Vũ Quang đã hoàn thành, đi vào hoạt động, giúp giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 200 lao động có trình độ và hàng ngàn lao động gián tiếp qua khâu thu mua, trồng, khai thác, kinh doanh gỗ rừng trồng...
Ông Cao Hùng Châu - Phó giám đốc Nhà máy gỗ MDF: "Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì chính quyền cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, các tổ chức ở vùng sâu, vùng xa tham gia liên kết trồng rừng nguyên liệu, nhất là miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi ngân hàng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi... để nâng cao hiệu quả sản xuất đất lâm nghiệp".
Từ năm 2018 đến nay, công ty đã hỗ trợ 350 ngàn cây keo giống chất lượng cao cho người dân Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê. Những tháng đầu năm nay, các đơn vị trực thuộc cũng đã thu mua 90.000 tấn gỗ rừng trồng của người dân để chế biến, sản xuất (riêng Nhà máy gỗ MDF thu mua 38.000 tấn) và dự kiến đến cuối năm sẽ thu mua thêm khoảng 100.000 tấn.
Ngoài ra, để hỗ trợ người trồng rừng, từng bước xây dựng mối liên kết trong sản xuất, doanh nghiệp đã khảo sát, thỏa thuận với các chủ rừng ký hợp đồng liên kết trồng 900 ha và đang tiến hành mở rộng đối tượng liên kết; lập hồ sơ xin thuê đất xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh, nhân giống chất lượng cao ở huyện Kỳ Anh; bao tiêu toàn bộ gỗ rừng trồng bị đổ gãy do thiên tai...
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn: "Các đơn vị sản xuất của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, nhất là Nhà máy gỗ MDF có ý nghĩa rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển rừng bền vững và góp phần tạo diện mạo mới cho nền lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân".
Tại buổi làm việc, ngoài giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, các thành viên đoàn giám sát đã tập trung trao đổi, làm sáng rõ các vấn đề có liên quan như:Ttình hình cụ thể hoạt động sản xuất kinh doanh ban đầu của Nhà máy gỗ MDF Vũ Quang; nhu cầu sử dụng nguyên liệu; công tác bảo vệ môi trường...
Những nội dung đã được các sở, ngành chức năng yêu cầu xử lý; việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng; số lượng công nhân trong các đơn vị trực thuộc là người địa phương và tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay...
Ông Trần Văn Kỳ - Bí thư Huyện ủy Hương Sơn (thành viên đoàn giám sát): "Đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện có nhà máy đóng chân để làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, bảo vệ rừng trồng, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người dân...".
Các ý kiến của Đoàn giám sát cũng quan tâm đến việc tiếp tục chế biến các sản phẩm hiện có theo hướng sâu hơn; tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay, nhất là những vướng mắc, khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm...
Đặc biệt là việc xây dựng biên bản ghi nhớ giữa địa phương và công ty để có thể đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người dân; doanh nghiệp đã có kế hoạch gì để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh cũng như phát triển vùng nguyên liệu, giúp người dân nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp...
Kết luận buổi làm việc, ngoài tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh gia cao hiệu quả đầu tư và những đóng góp của các đơn vị trực thuộc của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo sinh kế và đời sống cho người dân gần rừng, đưa ngành lâm nghiệp phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng lưu ý, doanh nghiệp cần đảm bảo vùng nguyên liệu bền vững phục vụ cho sản xuất trong tương lai, nhất là trong việc cùng chung tay thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hỗ trợ phát triển những vùng nguyên liệu khó khăn, hạn chế bán sản phẩm non.
Trong chế biến, cần tiếp tục nỗ lực để tiến tới chế biến tinh sâu để có các đồ dùng gia dụng bằng gỗ bán trên thị trường. Ngoài sản xuất sản phẩm tốt thì cần có lộ trình, kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ...