Đạm Cà Mau (DCM) gấp rút hoàn thành GĐ 2 Nhà máy NPK tại Gia Lai

Nhà máy sản xuất NPK tại Gia Lai được kỳ vọng sẽ là cứ điểm sản xuất mới của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) trong chiến lược mở rộng thị phần tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như đẩy mạnh mảng NPK trên cả nước.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết Giai đoạn 1 của Nhà máy sản xuất NPK tại Khu công nghiệp Long Mỹ, phường Quy Nhơn Tây, tỉnh Gia Lai (tỉnh Bình Định cũ) đã hoàn thiện hạ tầng và đưa vào khai thác.

Công ty hiện đang gấp rút hoàn thành Giai đoạn 2 của dự án với việc hoàn thiện dây chuyền phối trộn, đóng bao và chuẩn bị đưa vào vận hành sản xuất trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ NPK đang ngày càng tăng.

Dự án Nhà máy sản xuất NPK tại tỉnh Gia Lai của Đạm Cà Mau được triển khai trên diện tích rộng gần 3 ha, tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất, phối trộn các loại phân bón NPK+TE với công suất khoảng 50.000 tấn/năm; đóng gói các loại phân bón với công suất khoảng 50.000 tấn/ năm; lưu trữ, kinh doanh các loại phân bón, nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.

Giai đoạn 1 - Nhà máy sản xuất NPK của Đạm Cà Mau tại tỉnh Gia Lai đã được đưa vào khai thác.

Giai đoạn 1 - Nhà máy sản xuất NPK của Đạm Cà Mau tại tỉnh Gia Lai đã được đưa vào khai thác.

Đạm Cà Mau đánh giá Nhà máy sản xuất NPK tại tỉnh Gia Lai sẽ là cứ điểm sản xuất mới trong chiến lược mở rộng thị phần tại hu vực miền Trung – Tây Nguyên, nơi có nhu cầu phân bón ổn định và đa dạng. Với vị trí địa lý thuận lợi, kết nối linh hoạt giữa đường thủy và đường bộ, nhà máy sẽ đóng vai trò trung tâm trung chuyển, tiếp nhận nguyên liệu và phân phối hàng hóa một cách nhanh chóng, tối ưu chi phí và tăng khả năng cung ứng kịp thời cho thị trường.

“Cơ sở này giúp công ty giảm thiểu chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian cung ứng và tăng tính chủ động trong sản xuất, tồn trữ hàng hóa. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ phối trộn hiện đại sẽ cho ra đời những dòng sản phẩm phù hợp nhiều loại cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng khác nhau”, ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau nhấn mạnh.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, trong bối cảnh thị trường phân ure nội địa đã trở nên bão hòa thì phân khúc NPK đang có dư địa tăng trưởng lớn. Nhu cầu về phân bốn NPK chiếm đến 35% tổng nhu cầu phân bón hàng năm của cả nước do đây là loại phân bón tổng hợp, được đánh giá có tính kinh tế hơn khi chứa đầy đủ 3 hoạt chất (đạm, phốt pho, và Kali) cho cây trồng. Tính kinh tế cũng giúp giá phân bón NKP khá ổn định, tốc độ giảm giá chậm so với các loại phân bón đơn dòng khác trong giai đoạn thị trường trầm lắng trước đây.

Đặc biệt, thị trường NPK nội địa mang tính chất phân tán với việc các doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 52% thị phần, mở ra cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp lớn vốn có tiềm lực tài chính, công nghệ sản xuất, và kinh nghiệm thị trường.

Xét về kết quả kinh doanh, mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025, Đạm Cà Mau ước tính lũy kế 7 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.541 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.417,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 39% so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó, hoàn thành 75,3% mục tiêu doanh thu và 183% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Cảnh Hưng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm--gap-rut-hoan-thanh-gd-2-nha-may-npk-tai-gia-lai-151614.htm