Tạo bệ phóng cho ngành làm đẹp Việt Nam từ câu chuyện bản địa

Vừa qua, Hội thảo 'Chuỗi giá trị nguyên liệu làm đẹp: Từ nông nghiệp sạch đến công nghiệp dược mỹ phẩm' đã diễn ra trong khuôn khổ Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam và Beautycare Plus 2025 – Triển lãm thương mại quốc tế hàng đầu của ngành làm đẹp Việt Nam, được tổ chức từ ngày 24 đến 26/7/2025.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam và Beautycare Plus 2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM đã hội tụ hơn 600 đơn vị đại diện cho 3.000 thương hiệu đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại đây, hội thảo chuyên đề “Chuỗi giá trị nguyên liệu làm đẹp: Từ nông nghiệp sạch đến công nghiệp dược mỹ phẩm” đã trở thành điểm nhấn nổi bật, bên cạnh các hoạt động B2B VIP Buyer và hội thảo chuyên sâu dành cho bác sĩ, chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành.

Hội thảo thu hút sự hiện diện của nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo nên một diễn đàn trao đổi cởi mở về định hướng phát triển ngành mỹ phẩm Việt trên nền tảng nguyên liệu bản địa.

Phát biểu khai mạc, bà Phượng Phạm - Quản lý Dự án của Informa Markets Vietnam – nhận định rằng nguyên liệu không chỉ là thành phần cấu tạo nên sản phẩm mà còn là “người kể chuyện” về niềm tin của người tiêu dùng hiện đại. Theo bà, để xây dựng một ngành mỹ phẩm bền vững, cần có hệ sinh thái nguyên liệu sạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc và gắn bó mật thiết với bản sắc văn hóa từng vùng, miền.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Kinh tế Quốc tế (Bộ Công Thương) nhấn mạnh vai trò điều phối chính sách của Nhà nước trong việc kết nối liên vùng, liên ngành. Ông cho rằng các chính sách về thương mại, nông nghiệp và khoa học – công nghệ cần được tích hợp nhằm đảm bảo tính liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, phần tọa đàm với chủ đề “Chính sách, đầu tư và đề xuất mô hình hiệu quả” đã mang lại nhiều góc nhìn thực tiễn. Thạc sĩ Trần Quốc Duy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Truyền thông Quốc tế, Chánh Văn phòng Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam - nêu rõ khó khăn hiện nay là việc các tỉnh, thành chưa thống nhất trong xây dựng chuẩn chung và hệ thống dữ liệu dùng chung cho vùng nguyên liệu. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể thiết lập chuỗi cung ứng ổn định. Ông đề xuất thành lập một cơ quan điều phối cấp quốc gia để phát triển bản đồ nguyên liệu; đồng thời cần sớm xây dựng hành lang pháp lý và các chính sách tín dụng xanh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Duy cho biết, ông đã kết nối thành công với các đơn vị tư vấn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi trong việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính phát triển (DFI), với kinh nghiệm làm việc trực tiếp cùng nhiều DFI tại Hoa Kỳ, Đức, Anh và các khu vực khác, tiêu biểu như: IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), EBRD (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu), AfDB (Ngân hàng Phát triển Châu Phi).

Ông Duy hiện là đại diện của chương trình K-Scouter do Bộ Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc chủ trì, giao beSUCCESS – đơn vị truyền thông công nghệ khởi nghiệp hàng đầu Hàn Quốc – triển khai, với gói hỗ trợ miễn phí cho startup Việt muốn thành lập doanh nghiệp tại Hàn Quốc, từ nghiên cứu thị trường, bản địa hóa sản phẩm, hỗ trợ pháp lý, thị thực, văn phòng làm việc, tuyển dụng, truyền thông và kết nối nhà đầu tư tại xứ Hàn; triển lãm tại COMEUP – sự kiện khởi nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, cho đến vé máy bay khứ hồi đến Hàn Quốc vào tháng 12/2025 để thiết lập doanh nghiệp.

Thạc sĩ Trần Quốc Duy chia sẻ những giải pháp khả thi để đưa ngành mỹ phẩm Việt vươn xa tại phần tọa đàm với chủ đề “Chính sách, Đầu tư và Đề xuất mô hình hiệu quả”.

Thạc sĩ Trần Quốc Duy chia sẻ những giải pháp khả thi để đưa ngành mỹ phẩm Việt vươn xa tại phần tọa đàm với chủ đề “Chính sách, Đầu tư và Đề xuất mô hình hiệu quả”.

Theo ông Duy, để các chuỗi giá trị nguyên liệu phát triển bền vững, cần bảo đảm được thị trường đầu ra cho doanh nghiệp và nông dân. Ông khẳng định rằng nếu không có cơ chế phân phối lợi nhuận công bằng, người nông dân sẽ không thể duy trì đầu tư vào vùng trồng nguyên liệu sạch, và doanh nghiệp cũng khó trụ vững trong chuỗi sản xuất. Việc chia sẻ giá trị gia tăng cần được đặt ở trung tâm chính sách.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp quốc tế, bà Anita Hsieh – Tổng Giám đốc thương hiệu Anruti (Đài Loan) – cho biết công ty không chỉ giới thiệu sản phẩm chất lượng mà còn theo đuổi triết lý làm đẹp bền vững dựa trên khoa học. Dù rất quan tâm đến nguồn nguyên liệu Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn e ngại do sự thiếu ổn định và minh bạch của chuỗi cung ứng nguyên liệu hiện tại.

Về mặt công nghệ, Tiến sĩ Ho Shin-Ching – Giám đốc R&D của Công ty TNHH Bohui Biotech (Đài Loan) – giới thiệu những tiến bộ trong ứng dụng tế bào tự thân và exosome vào mỹ phẩm, đồng thời đề xuất Việt Nam cần sớm chuẩn hóa các quy định pháp lý, cập nhật các tiêu chuẩn đánh giá sinh học và nới rộng khung cấp phép với các hoạt chất thế hệ mới nếu muốn tham gia vào cuộc đua toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ làm đẹp.

Ông Ed Armamento - Chủ tịch AE Chemie, Inc. (Hoa Kỳ) nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ bảo quản sinh học đối với mỹ phẩm sạch. Theo ông, xu hướng này không chỉ là lựa chọn mang tính đạo đức mà còn là yêu cầu tất yếu về mặt thương mại trong tương lai gần. Tuy nhiên, để triển khai thành công tại Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu, nhà quản lý và doanh nghiệp.

Trong phần trình bày tham luận, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Truyền thông Quốc tế chỉ ra rằng Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật quý giá, nhưng phần lớn doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm vẫn đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước như Đức, Pháp hay Ấn Độ.

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định sẽ rất khó để xây dựng một câu chuyện mang bản sắc địa phương nếu nguyên liệu cốt lõi của sản phẩm lại đến từ nước ngoài

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định sẽ rất khó để xây dựng một câu chuyện mang bản sắc địa phương nếu nguyên liệu cốt lõi của sản phẩm lại đến từ nước ngoài

Ông Sơn nhận xét gốc rễ của vấn đề nằm ở việc Việt Nam chưa có bản đồ vùng nguyên liệu quốc gia, thiếu quy chuẩn chung và chưa đầu tư mạnh vào công nghệ chiết xuất hay bảo quản sinh học. Theo ông, một sản phẩm mỹ phẩm không thể kể được câu chuyện bản địa nếu nguyên liệu chủ đạo lại đến từ bên ngoài. Ông đề xuất áp dụng mô hình liên kết “5 nhà” – gồm Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp và nông dân – như một giải pháp nền tảng để xây dựng chuỗi giá trị khép kín cho nguyên liệu làm đẹp.

Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh, ông Jimmer Ma – Giám đốc Tiếp thị Thương hiệu Mộc Bích Quả – đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu Việt Nam để phục vụ thị trường Đài Loan trong bài tham luận của mình. Theo ông, lựa chọn nguyên liệu không chỉ là quyết định kỹ thuật mà còn thể hiện bản sắc và giá trị văn hóa. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ mua một lọ serum, mà còn đặt trọn niềm tin vào vùng trồng và cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Dịp này, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa thương hiệu Anruti và Viện Thẩm mỹ C&T Lady đã diễn ra, qua đó tạo tiền đề cho một mô hình chuỗi liên kết nội địa giữa các đơn vị sản xuất nguyên liệu và hệ thống phân phối mỹ phẩm tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp làm đẹp theo hướng hiện đại, mang bản sắc và bền vững.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa thương hiệu Anruti và Viện Thẩm mỹ C&T Lady

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa thương hiệu Anruti và Viện Thẩm mỹ C&T Lady

Theo thống kê mới nhất từ Kirin Capital, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam trong năm 2024 ước đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng trưởng 3,4% so với năm trước. Dưới tác động của nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng và sự mở rộng nhanh chóng của phân khúc người tiêu dùng trẻ, quy mô thị trường này được dự báo sẽ đạt khoảng 2,7 tỷ USD vào năm 2027, tương đương mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trên 3,3% trong giai đoạn 2023 - 2027.

Trong bức tranh nhập khẩu, Singapore hiện là quốc gia dẫn đầu về cung ứng mỹ phẩm, sản phẩm tạo hương và chế phẩm vệ sinh cho thị trường Việt Nam, với kim ngạch gần 380 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2024, chiếm hơn 29% tổng thị phần. Theo sau là Hàn Quốc với hơn 174 triệu USD, Trung Quốc với hơn 140 triệu USD (tương ứng 10,8%), trong khi Thái Lan và Hoa Kỳ lần lượt ghi nhận giá trị xuất khẩu sang Việt Nam đạt 139 triệu USD và 92 triệu USD.

Dù các thương hiệu quốc tế vẫn giữ vị thế áp đảo, thị trường trong nước đang chứng kiến sự trỗi dậy đáng kể của các thương hiệu mỹ phẩm nội địa. Nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định tên tuổi bằng cách tập trung vào các dòng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, hữu cơ, an toàn và có mức giá phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Báo cáo từ Statista cho thấy, xu hướng tiêu dùng đang nghiêng về các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Theo dự báo, riêng phân khúc mỹ phẩm thiên nhiên và hữu cơ tại Việt Nam có thể vượt mốc 62 triệu USD vào năm 2025, phản ánh rõ rệt sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân xanh, sạch và lành tính.

Q. T

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tao-be-phong-cho-nganh-lam-dep-viet-nam-tu-cau-chuyen-ban-dia-a29598.html