Đạm Cà Mau (DCM): Xuất khẩu tháng 2/2024 tăng gấp 10 lần, giá ure nội địa cũng tăng 9%
Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) vừa cho biết sản lượng ure xuất khẩu trong tháng 2/2024 đã tăng gấp 10 lần so với tháng 1/2024; đồng thời, giá ure trên thị trường nội địa đã tăng thêm từ 1 - 9%.
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh tháng 2/2024.
Cụ thể, trong tháng 2/2024, doanh nghiệp phân bón này sản xuất được 79.680 tấn ure, giảm 0,7% so với tháng 1/2024, nhưng sản lượng NPK lại tăng 10,6%, đạt 15.930 tấn.
Sản lượng tiêu thụ ure trong tháng 2/2024 đạt 68.740 tấn, giảm 46% so với tháng 1/2024. Cụ thể, Đạm Cà Mau tiêu thụ trong nước 23.520 tấn ure, giảm 69%. Tuy nhiên, xuất khẩu lại đạt tới 45.220 tấn ure, gấp 10 lần so với mức thực hiện của tháng 1/2024 và vượt 4,5 lần so với kế hoạch 10.000 tấn được đặt ra trước đó.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, nhu cầu phân bón trong tháng 2/2024 giảm là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Tuy nhiên, giá phân bón ure tại thị trường nội địa vẫn tăng 1 - 9% so với tháng trước.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất của Đạm Cà Mau đạt 165.220 tấn ure và 31.410 tấn NPK. Sản lượng tiêu thụ ure đạt 116.940 tấn, trong đó tiêu thụ trong nước chiếm 57,43% (đạt 67.160 tấn) và xuất khẩu chiếm 42,57% (đạt 49.780 tấn).
Trong năm nay, Đạm Cà Mau cho biết sẽ tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm hiện có sang các thị trường mới. Hiện doanh nghiệp này đang chuẩn bị xuất khẩu các lô hàng ure hạt đục đầu tiên sang New Zealand và Australia - hai thị trường có tiêu chuẩn “khắt khe” hàng đầu thế giới về sản phẩm phân bón nhập khẩu. Đạm Cà Mau cũng đang chuẩn bị xuất khẩu lô hàng hơn 35.000 tấn sang Mexico.
Tính đến hết năm 2023, sản phẩm phân bón Cà Mau của Đạm Cà Mau đã được xuất khẩu sang 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhiều tổ chức hiện dự báo cả giá và nhu cầu tiêu thụ ure trên thị trường quốc tế sẽ hồi phục nhẹ trong năm nay. Cụ thể, dự kiến nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt khi cả Nga và Trung Quốc đều hạn chế sản lượng xuất khẩu, trong khi đây là 2 quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới.
Theo kịch bản cơ sở của Green Markets (Bloomberg), tổng công suất ure tối đa toàn cầu chỉ tăng trưởng 1,8%. Nguyên nhân là vì nhiều nhà sản xuất ure phải hạn chế công suất trong bối cảnh nguồn cung khí thiên nhiên khan hiếm mà nhu cầu tiêu thụ khí lại tăng lên.
Về nhu cầu tiêu thụ phân bón trong năm nay, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo sản lượng tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 4% so với năm ngoái, đạt 192,5 triệu tấn. Các nhà tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil hay Châu Âu dự kiến sẽ đồng loạt quay trở lại đấu thấu để đảm bảo nguồn cung cho vụ Hè - Thu sắp tới.
Như vậy, thị trường phân bón toàn cầu rất có thể sẽ sôi động trở lại khi nhu cầu tăng mà nguồn cung lại bị thắt chặt. Hãng chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) dự báo giá ure hạt đục Trung Đông năm nay sẽ tăng 6,1% so với năm 2023, đạt 380 USD/ tấn. Qua đó, kéo theo sự phục hồi giá ure tại các khu vực khác trên toàn cầu.