Đám cưới đậm chất miền Tây xưa, mặc áo dài đi guốc mộc đẹp xuất sắc!
'Để tìm được người may cặp áo Tay Chẽn cho hai vợ chồng khá khó vì lúc đó, may được kiểu áo xưa chỉ có nghệ nhân người Bắc. Họ sẽ may được kiểu truyền thống, không bị cách tân', Ngọc Yên tâm sự.
Cô dâu: Ngọc Yên
Chú rể: Nhật Trường
Hai vợ chồng cùng sinh năm 1997 và hiện sinh sống làm việc tại Chợ Mới (An Giang)
Đám cưới tổ chức tại vườn nhà theo phong cách miền Tây xưa
Đám cưới sau 10 năm yêu đương
Thời đại bây giờ đám cưới không chỉ dừng ở việc làm thế nào cho hoành tráng, đẹp đẽ nữa. Bên cạnh sẽ đẹp đẽ thì hôn lễ đậm bản sắc quê hương cũng luôn được nhiều cô dâu chú rể lựa chọn.
Cách đây một thời gian, cô dâu Ngọc Yên chia sẻ những tấm ảnh về hôn lễ theo đúng phong cách miền Tây của mình trên mạng xã hội.
Đám cưới của Ngọc Yên và chồng được tổ chức tại nhà riêng. Điểm đặc sắc ở đây chính là căn nhà mang đậm nét truyền thống miền Tây. Từ việc bày ban thờ lễ, trang trí đám cưới đến khung cảnh những cây dừa... đều mang đậm ấn tượng miền Tây sâu sắc.
Ngọc Yên và Nhật Trường yêu nhau 7 năm trước khi quyết định kết hôn. Gia đình hai bên có mối quan hệ thân thiết nên từ đó, cả hai yêu nhau.
"Từ năm 2012, hai đứa chính thức quen. Sau đó 1 tháng thì anh ấy lên Sài Gòn sống nên bọn mình yêu xa. 3 năm sau, đến năm 2015 mình cũng lên đó sinh sống, học tập và bắt đầu thời gian yêu gần. Cho đến năm 2021 thì hai bên thúc giục, hai vợ chồng cũng muốn cưới nên quyết định kết hôn sau gần 10 năm yêu đương", Ngọc Yên chia sẻ.
Bản thân là người An Giang miền sông nước nên Ngọc Yên và Nhật Trường cũng muốn tổ chức hôn lễ mang đậm màu sắc văn hóa quê hương. Bởi vậy, hai vợ chồng cũng lên kế hoạch khá lâu từ chuyện trang trí, chọn mua đồ đạc.
Ngọc Yên tâm sự: "Những chi tiết, hình thức, lễ cúng trong đám đều theo phong tục của tôn giáo cũng như địa phương. Chồng mình là người thích những nét cổ và thích phong tục đám ngày xưa kể cả đám cưới hay đám giỗ.
Bởi vậy nên mọi nghi thức trong đám đều được chồng thực hiện đầy đủ, nhất là lúc làm lễ ở từ đường 2 bên. Hình thức đám cưới như tụi mình đã được lưu truyền từ lâu đời. Tuy nhiên, về sau nó bị mai một đi nhiều nên chồng muốn thực hiện lại đầy đủ phần nào của nghi thức xưa ấy theo đúng những gì anh mong muốn".
Hôn lễ đậm bản sắc miền Tây xưa, đặc biệt ngay từ trang phục
Hai vợ chồng đã mất 1 năm để chuẩn bị cho hôn lễ. Sau khi làm đám dạm ngõ thì họ tập trung vào khâu chuẩn bị.
Muốn hôn lễ thật sự có ý nghĩa và đặc biệt hơn nên hai vợ chồng tự chuẩn bị từ quần áo, trang phục mặc trong ngày đám, nơi chụp hình, thiệp mời...
"Bọn mình thống nhất rằng phần nào chuyên về truyền thống thì do anh phụ trách còn phần nào chọn hiện đại là do mình. hai vợ chồng muốn kết hợp nét truyền thống và hiện đại trong ngày cưới để vừa hợp ý anh mà cũng vừa lòng mình.
Trong lúc chuẩn bị, hai đứa cũng gặp không ít khó khăn. Cái khó nhất là tìm trang phục xưa và nơi chụp ảnh như ý. Một phần cũng do dịch bệnh nên khâu chuẩn bị không quá thuận lợi", Ngọc Yên cho hay.
Trong ngày cưới, vợ chồng Ngọc Yên lựa chọn áo Nhật Bình và áo Tay Chẽn mang đậm bản sắc Việt Nam.
Yên chia sẻ: "Hình ảnh mặc áo Tay Chẽn, mang guốc mộc là hình ảnh cô dâu chú rể mà mình thấy thích nhất trong đám cưới. Nó mang một nét xưa nhưng vẫn đẹp. Để tìm được người may cặp áo Tay Chẽn cho hai vợ chồng khá khó vì lúc đó, may được kiểu áo xưa chỉ có nghệ nhân người Bắc. Họ sẽ may được kiểu truyền thống, không bị cách tân. Sau này hai vợ chồng đã tìm được bạn Minh Đời ở Cần Thơ nhận may áo. Đến ngày nhận, mình rất bất ngờ vì áo đẹp và ưng ý quá".
Trong phần trang trí đám cưới, cô dâu chú rể sử dụng nhiều lá dừa và lá chuối. Cô dâu Ngọc Yên hài hước chia sẻ về chuyện khung cảnh hôn lễ ngập trong cây xanh.
"Khi tổ chức gia đình không thể đưa đi chỗ khác đãi tiệc được nên vì nhiều lí do. Bởi vậy, cả nhà quyết định cắt nguyên một đám cỏ ở sân sau cho bò ăn, lấy chỗ trống bắc rạp cưới. Cũng vì thế mà tạo nên khung cảnh cưới giữa vườn với ngập tràn cây xanh. Bọn mình cũng muốn lưu giữ lại kỷ niệm nên nhờ nhiếp ảnh gia Vương Đình Khang chụp ảnh ngay bên cạnh cây chuối, lá dừa. Không ngờ khi lên hình thì khung cảnh lại đậm chất miền Tây xưa đến như thế".
Đám cưới miền Tây cho đến bây giờ vẫn luôn được tổ chức đúng theo câu nói của người xưa: "Nhứt gia hữu sự, bá gia ưu". Chỉ cần một nhà có đám thì bà con xóm giềng sẽ quây quần lại giúp chủ nhà chuẩn bị tiệc trọn vẹn nhất.
Đám cưới của Ngọc Yên cũng như vậy. Các cô các bà thì ở bếp, phụ nấu nướng. Đàn ông trang trí, làm việc nặng nhọc hơn. Tất cả đều cùng nhau giúp đỡ tạo nên không khí rộn ràng, vui vẻ. Trong mắt Ngọc Yên, tinh thần đó rất đáng trân quý và từ ngày xưa cho đến bây giờ, nó vẫn được giữ gìn trọn vẹn nhất.
Suốt 1 năm lên kế hoạch, hai vợ chồng Ngọc Yên, Nhật Trường đã chuẩn bị được mọi thứ thật trọn vẹn. Hai vợ chồng cũng rất hạnh phúc khi hai gia đình ủng hộ, để hai vợ chồng được toàn quyền quyết định phong cách tổ chức đám cưới như mong muốn của mình.
"Truyền thống, văn hóa của ông bà ta ngày xưa rất đẹp và trân quý. Bởi vậy trang phục hay lễ nghi xưa nếu mình hiểu thì nó rất có ý nghĩa. Bởi vậy ai có thể phát huy nó và gìn giữ được thì nên gìn giữ để lớp sau này vẫn có thể nhìn thấy những nét đẹp văn hóa truyền thống đó, để nó không mai một theo thời gian. Đấy cũng chính là lí do mình tổ chức đám cưới theo phong cách miền Tây xưa như thế", Ngọc Yên chia sẻ thêm.
Có thể nói rằng, đám cưới là sự kiện cả đời diễn ra một lần. Ai cũng muốn tổ chức nó sao cho chỉn chu, đáng nhớ nhất. Chúc mừng cho hôn lễ của Ngọc Yên và Nhật Trường. Hi vọng rằng, tổ chức theo phong cách truyền thống như thế này sẽ thật sự truyền được cảm hứng đến những cô dâu chú rể khác trong hành trình định hình đám cưới trong mơ!
Ảnh: Vương Đình Khang