Đám cưới kiểu 'ông bà anh': Giản đơn mà thương nhau hơn
Những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ quay lại phong cách cưới xưa thời 'ông bà anh'. Những đám cưới giản dị, không bày vẽ tốn kém nhưng đầy sâu lắng, đến từ sự chân thành của đôi tim.
Những đám cưới hoài cổ đầy cảm xúc
Đến nay, nhiều bạn bè dự đám cưới của cô dâu Lê Nguyễn Đông Nghi và chú rể Trần Hoàng Lân (hiện sinh sống tại Mỹ) vẫn còn nhắc. Giữa thời điểm năm 2018, khi ấy, đám cưới kiểu “hoài cổ” chưa được nhiều người tìm về thì cặp đôi này đã có một đám cưới đậm chất xưa ấm cúng. Thay cho áo cưới màu trắng kiểu Tây, cô dâu Đông Nghi diện váy cưới kiểu áo dài đỏ, đầu đội mấn cô dâu. Hoa tươi cắm trang trí cũng là những loài hoa nhiệt đới dân dã. Đặc biệt, bó hoa lay ơn, hoa cưới không thể thiếu của đám cưới xưa cũng xuất hiện trong đám cưới. Cạnh đó là những chiếc bưu ảnh cũ, chiếc máy hát loa kèn, tấm xốp cắt hình đôi chim bồ câu trang trí... Không ít khách đến dự đám cưới đã chia sẻ sự ngạc nhiên và xúc động trước những hình ảnh giản dị, hoài cổ gợi nhớ một thời ấy, đặc biệt là quan khách lớn tuổi.
Năm 2020, một đám hỏi theo kiểu “ông bà anh” đã diễn ra tại Lâm Đồng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đó là lễ ăn hỏi của cặp đôi Khánh Anh - Đình Tấn tại Lâm Đồng. Đôi bạn trẻ đã cùng tái hiện lại đám hỏi những năm 70 ở Việt Nam. Không gian diễn ra buổi lễ được trang trí bằng chăn con công, pháo dây, máy hát, tivi trắng đen, rương gỗ, bàn máy may… Điều đặc biệt, không chỉ hướng đến việc trang trí khung cảnh như đám cưới “ông bà xưa”, cặp đôi còn rất chú trọng đến những chi tiết lễ nghi theo lề lối cũ. Những lễ nghi trong đám hỏi thập niên 1970 cũng được tái hiện.
Để có được một đám hỏi hay và lạ như thế, hai bạn trẻ đã dành khá nhiều tâm huyết để sưu tầm và lên ý tưởng. Cả hai tìm mua những đồ vật đặc trưng của thập niên 70 như xe con cóc, xe vespa cổ, chăn con công, pháo dây, máy hát, tivi trắng đen, rương gỗ, bàn máy may… Từng chi tiết nhỏ trong đám hỏi đều được cô dâu, chú rể gửi gắm trọn vẹn tình cảm của mình vào đó, mong muốn đánh dấu một ngày vui trọn vẹn, để lại những kí ức đẹp cho mình và khách tham dự. Và quả thật, khách tham dự bày tỏ sự thích thú, vui vẻ trước một đám hỏi được chuẩn bị chu đáo và độc đáo như thế.
Bên cạnh những đám cưới xa xỉ tiền tỉ, những tiệc cưới xa hoa lộng lẫy với những siêu xe, hoa nhập khẩu, tiệc 5 sao, một kiểu đám cưới “đi ngược xu thế” đã âm thầm tỏa lan trong giới trẻ những năm qua, đó chính là đám cưới kiểu “ông bà anh” - tức đám cưới giản dị tái hiện lễ cưới người Việt những thập niên trước.
Ở những lễ cưới này, các cặp đôi trẻ thường quay về với các trang trí cũ, từ tấm thiệp cưới, các vật dụng dán tường, không gian xưa, hoa truyền thống Việt, đến cách ăn mặc của cô dâu, chú rể và người nhà. Nhiều đám cưới, đám hỏi còn hướng đến tái hiện cả nghi lễ cưới truyền thống của thế hệ xưa, như lễ ăn hỏi của cặp đôi Khánh Anh - Đình Tấn tại Lâm Đồng nói trên.
Có những “đám cưới xưa” ở các tỉnh miền Tây, miền Trung khiến khách tham gia lẫn cộng đồng mạng thích thú, trầm trồ bởi tái hiện những chiếc cổng vòm kết lá dừa truyền thống – hình ảnh tưởng chừng đã thất truyền từ hàng chục năm nay. Nhiều đám cưới người trẻ miền Tây quay lại tái hiện cảnh đưa dâu, đi ghe thuyền trên sông nước gợi nhớ một thời vất vả mà hạnh phúc của cha ông.
Không chỉ là một trào lưu
Ưu điểm của các đám cưới này không ít. Về mặt kinh tế, đám cưới “tái hiện xưa” chỉ tốn công cô dâu, chú rể sưu tầm, lựa chọn vật phẩm, bài trí không gian chứ không quá tốn kém về chi phí, bởi vật dụng trang trí, hoa hay trang phục kiểu truyền thống cổ điển đều không xa xỉ, đắt tiền như những đám cưới hiện đại. Cạnh đó, những đám cưới “ông bà anh” đều đem lại những cảm xúc sâu lắng, những ngạc nhiên và thú vị cho khách tham dự. Đặc biệt là với thế hệ trước.
Ông Nguyễn Hoàng Quân, ngụ quận 8, TP HCM kể: “Khi các con báo sẽ đám cưới “kiểu xưa” và lục lọi tất cả những tấm ảnh cưới cũ của gia đình ra nghiên cứu, vợ chồng tôi rất lo lắng vì nghĩ các con đang “chơi ngông”, đi ngược thời đại. Vợ tôi có bảo: Thôi cứ thuê tổ chức tiệc cưới như anh chị con trước đây cho an toàn, người ta sao mình vậy. Giờ thời đại khác rồi còn quay lại đám cưới kiểu bao cấp của ba mẹ làm gì? Nhưng các con tôi nó bảo chúng tôi cứ an lòng, chúng nó phá cách tí nhưng không phá phách đâu, đám cưới vẫn sẽ rất trang nghiêm. Mà quả thật, đến khi đám cưới diễn ra chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Cái nhà hàng nhỏ, quan khách chỉ hơn trăm người, trong đó có nửa số là bà con, họ hàng, bạn bè tôi, rất ấm cúng. Không gian trang trí gần như đám cưới của vợ chồng tôi ngày xưa, nên cảm giác bồi hồi, xúc động và thấy rất ý nghĩa về cách tổ chức đám cưới của con, thấy yên tâm cho cuộc sống sau này của chúng nó”.
Còn với bản thân cặp đôi tổ chức đám cưới hoài cổ thì lễ cưới kiểu xưa cũng đem lại cho họ những trải nghiệm đáng nhớ. Anh Nguyễn Minh Quang, con trai ông Nguyễn Hoàng Quân, chủ nhân của đám cưới thập niên 70 chia sẻ, ban đầu hai vợ chồng anh cũng chỉ định tổ chức một đám cưới như thông thường thông qua việc giao “khoán” cho đơn vị tổ chức tiệc cưới làm hết. Tuy nhiên, khi vô tình nhìn thấy tấm ảnh cưới của cha mẹ, họ nảy ra suy nghĩ muốn thể nghiệm đám cưới xưa, như một cách kết nối hơn với thế hệ ông bà, cha mẹ mình.
Đám cưới “đi ngược xu thế” đã âm thầm tỏa lan trong giới trẻ những năm qua, đó chính là đám cưới kiểu “ông bà anh”
Sau khi tham khảo cha mẹ, các cô, chú, bác, tìm hình ảnh và thông tin trên mạng, cả hai đã tổ chức được một đám cưới đúng chất “xưa” chứ không chỉ ở mặt hình thức. “Vì phía tổ chức tiệc cưới không thể đáp ứng mọi thứ nên vợ chồng chúng tôi tự tìm kiếm, sưu tầm, thậm chí đi… mượn nhiều vật dụng của bà con họ hàng. Quá trình cùng nhau tổ chức một đám cưới hoài cổ là một trải nghiệm không thể quên khi chúng tôi tìm hiểu được những thiêng liêng trong các nghi lễ, cách thức cha mẹ, ông bà ngày xưa tổ chức lễ cưới trong sự thiếu thốn vật chất nhưng trang nghiêm, ấm áp thế nào. Đám cưới khiến chúng tôi cảm thấy nhiều cảm xúc, thấy gắn bó với nhau hơn. Đồng thời tôi cũng khó quên được sự xúc động của ba mẹ mình khi được “sống lại” đám cưới trong kí ức, rồi các bác, các cô, chú cứ bắt tay, bảo là làm tốt, hay lắm, làm các bác thấy hoài niệm và xúc động lắm. Những kí ức đẹp về đám cưới sẽ đi cùng chúng tôi đến suốt cuộc đời”, anh Minh Quang chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Mỹ Ngọc, chủ dịch vụ tổ chức đám cưới My Love, những năm qua, ngành đám cưới chứng kiến nhiều xu thế mới, như xu thế cưới theo kiểu Hàn Quốc, cưới kiểu Trung Quốc, kiểu phương Tây, đám cưới mà cô dâu, chú rể vận trang phục Việt cổ triều Nguyễn… Đám cưới tái hiện thập niên 60 - 80 chính là một trong những xu thế đó. Chị Ngọc chia sẻ, những đám cưới theo kiểu phục cổ, hoài cổ tuy không tốn chi phí nhưng khá tốn công sức và cô dâu, chú rể lẫn người nhà phải hỗ trợ phía bên tiệc cưới nhiều vì đơn vị tổ chức tiệc cưới đôi khi không thể cung ứng hết trọn vẹn như yêu cầu của họ. Tuy nhiên, những đám cưới ấy cũng đem lại cho người tổ chức tiệc cưới những niềm vui vì sự đặc sắc, cái mới mẻ đan xen trong sự cổ điển quen thuộc, đặc biệt cô dâu, chú rể lẫn khách tham dự đều rất vui, rất thích.
Tuy nhiên, chị Ngọc cho biết, không phải đám cưới “ông bà anh” nào cũng giản dị, đáng yêu, hay ho. Nhiều người trẻ không thực sự yêu thích không gian xưa cũ của lễ cưới thời trước mà chủ yếu muốn tìm cảm giác mới mẻ, muốn “làm nổi” theo xu thế. Chính vì vậy cũng có những đám cưới bên ngoài thì có vẻ “ông bà anh”, thực chất là lai căng Tây, Tàu đủ kiểu, miễn sao cho lạ mắt. Có những đám cưới khiến người tham dự, nhất là các bậc cha chú phải ngại ngần, khó chịu. Nhưng rất may là kiểu “giả cổ” ấy không nhiều.
Đám cưới là khởi đầu cho một cuộc hành trình mới, hành trình về bên nhau, chung mái nhà, xây đắp hạnh phúc của cặp đôi yêu nhau. Và cách mà người trẻ lựa chọn tổ chức lễ cưới, không đơn thuần là theo trào lưu mà phần nào thể hiện quan điểm của họ về hôn nhân. Những lễ cưới “ông bà anh” giản dị mà ấm áp ấy gắn kết đôi trẻ, giản dị mà khiến người ta thú vị, thương nhau hơn.