Đám cưới lần thứ tư
Một buổi chiều cuối năm, nắng vàng đang dần tắt trên những mái nhà của khu phố nhỏ, nơi tôi đang làm phòng mạch.
Chuông điện thoại vang lên lần ba, bác bệnh nhân già nhắc tôi:
- Bác sĩ nghe điện thoại đi, tôi chờ cũng được.
Giọng người đàn ông đầu dây bên kia vừa trịnh trọng vừa cầu khẩn:
- Ngày mai ông đi dự đám hỏi của tôi nhé!
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ, không phải vì tôi không nhận ra giọng nói của người bạn nối khố của một thời sinh viên mà vì tôi không tin vào tai mình.
Tôi hỏi lại: - Đám hỏi ông à?
- Thì đám hỏi của tao chứ đám hỏi của ai.
- Nhưng ông mới lấy vợ năm ngoái cơ mà.
- Chuyện đó xưa rồi diễm ơi. Mình đã ly dị vợ hai tháng trước.
Thấy tôi im lặng, bên kia đầu dây, người bạn hiền của tôi nhắc: “Sáng mai tám giờ, nhớ cho mình mượn chiếc xe hơi để đi đến gia đình vợ cho nó trang trọng”.
Tôi nói đùa rằng xe mình bán rồi, chỉ còn chiếc xe môtô 400 phân khối thôi, có mượn không?
Bạn tôi thắc mắc: Nhưng làm sao chở hết cả gia đình mình?
Đến mức độ này tôi cũng chịu hết nổi và quát lên trong ống nói:
- Sao không ra chỗ cho thuê xe hơi mà thuê?
Giọng van lơn, bác sĩ Hải Anh nói nhưng mà tao không đủ tiền.
Không đủ tiền mà lấy lắm vợ thế. Tôi cáu sườn đặt ống nghe xuống miệng lầm bầm: đúng là đồ điên.
Tuy vậy, tám giờ tối sau khi làm phòng mạch xong, tôi cũng gọi điện thoại di động cho ông bạn nối khố và chỉ sau 20 phút chúng tôi đã có mặt ở Tiên Tửu Quán. Sau vài tuần rượu với thứ loại rượu nổi tiếng nhất của quán Bách Hoa Tiên Tửu, chúng tôi đàm đạo với nhau về cuộc hôn nhân lần thứ 4 của ông bạn nối khố từ thời còn để chỏm.
Hải Anh và tôi cùng học trường Ngô Sĩ Liên ngoài Hà Nội. Cả hai đều có hoàn cảnh giống nhau: cha Nam, mẹ Bắc. Vào miền Nam trước tôi hai tháng, cùng thi đậu đại học Y khoa. Ngày đi thi đại học, cả hai ngồi chung một phòng.
Trong suốt thời gian sáu năm học đại học, chúng tôi như cặp bài trùng và cũng rất nhiều người yêu, tuổi trẻ mà. Ra trường, tôi được giữ lại làm giảng viên, một nghề mà ngay từ bé tôi chưa hề một lần nghĩ đến.
Còn bạn tôi về làm một bệnh viện chuyên khoa của sở y tế. Lần lấy vợ đầu tiên của bạn, tưng bừng rộn rã, hai năm sau một bé gái ra đời và hai năm sau nữa cuộc ly dị đầu tiên diễn ra.
Tôi cũng không dám hỏi nguyên nhân, trong một buổi tiệc, sau vài tuần rượu Hải Anh thanh minh với tôi: Không có tình yêu. Tao lấy vợ mà không có tình yêu. Tôi mỉm cười thông cảm.
Sáu tháng sau, một phiếu báo tin và một tờ giấy mời: bạn tôi lấy vợ lần thứ hai, đám cưới chỉ có năm bàn, cũng rộn ràng băng nhạc, cũng xe hoa lộng lẫy. Bạn bè chỉ có một vài người, tôi đến dự một mình, vợ tôi không chịu đi.
Có lẽ phụ nữ rất kỵ những đám cưới kiểu này. Cô vợ hai trẻ hơn 10 tuổi, ai cũng chúc mừng cho bạn tôi lấy được vợ trẻ, sướng nhé, chồng già vợ trẻ là tiên. Sau đám cưới, cô dâu chú rể khăn gói quả mướp về nhà trọ, nghe đâu gần chợ Ông Tạ.
Từ đó đến ngày ly dị lần hai là ba năm, tôi chưa hề thấy mặt vợ bạn tôi và đứa con thứ hai. Bạn tôi lại thanh minh, mặc dù không ai hỏi: không có tình yêu, tao lấy vợ vì có người giới thiệu. Lần đầu tiên tôi gặp lại họ chính là ngày ra tòa, cô vợ trẻ bế đứa con mới một tuổi, gương mặt buồn bã nói với tôi em không biết làm gì để nuôi cháu.
Một năm sau, lại đám cưới, chỉ có hai bàn tiệc trong một nhà hàng nhỏ quận 3, cô dâu cũng còn rất trẻ, nghe đâu làm công nhân một xí nghiệp may mặc nào đó bên Nhà Bè. Cô gương mặt rất mãn nguyện và tràn trề hạnh phúc, lấy được chồng bác sĩ mà.
Sau đám cưới lại tiếp tục nhà trọ, hơn bốn mươi tuổi đầu rồi, tất cả bạn bè cùng lớp tôi dù ít hay nhiều đều đã có mái nhà che mưa nắng, còn Hải Anh vẫn rong ruổi trên con đường đi tìm tình yêu của mình. Lại một đứa trẻ ra đời, một người mẹ trẻ ôm con trước tòa.
Cô vợ thứ tư của Hải Anh là người mà tôi biết trước duy nhất trong những người vợ của ông bạn nối khố. Cô mới hai mươi tuổi thi đại học hai lần rớt, đang học nghề thư ký. Trẻ, gương mặt hơi buồn, thích được chiều chuộng, con gái mà.
Họ quen nhau cũng khoảng ba năm trước khi người vợ thứ ba đang mang bầu. Nàng là cô gái mới lớn, chàng một bác sĩ đẹp trai, phong độ, khéo léo trong tình yêu. Một ngày, tôi đang ở nhà, một cú điện thoại của bạn tôi tha thiết mời ra quán cây gòn làm vài ly. Lý do thì bí mật cho đến phút cuối, một chai rượu ngon được bạn tôi mang theo, nhìn chai rượu tôi mừng thầm: hôm nay mình được tổ đãi rồi, chai rượu ngon lắm.
Tuy nhiên, tôi đã mừng hụt chẳng có ly rượu nào được rót ra cả, vài chai bia, Hải Anh thông báo: hôm nay được bố vợ tương lai mời đến tiếp kiến, hơi lo nên phải làm trước vài ve để lấy khí thế. Còn chai rượu là để ra mắt bố vợ. Ba ngày sau, tôi hỏi Hải Anh, sao, mọi việc tốt đẹp chứ. Tất nhiên rồi, ngày hôm đó đi gần nhà bố mẹ vợ tao bị té xe.
Tôi vội hỏi: chai rượu có sao không? Không sao cả, khi té tao cũng lựa thế, dù xây xát hết người nhưng tay vẫn nâng cao chai rượu. Không về nhà thay quần áo vì không thể trễ hẹn với bố mẹ vợ ngay trong buổi ra mắt đầu tiên, với những vết xây xát và quần áo dính bẩn cùng một ít máu.
Chàng trẻ tuổi đẹp trai được bố vợ tiếp đón nồng hậu, không chỉ hết một chai rượu mà bố vợ còn sai thằng em vợ mới tám tuổi qua nhà bà Ba béo đầu ngõ lấy về một chai đế Gò Đen nữa. Vui như tết. Tôi hỏi: “Thế ông gọi bố vợ ông là gì?”. “Là chú chứ là gì nữa”. “Bố vợ ông gọi ông là gì?”. “Là anh”. Chàng bác sĩ vui vẻ trả lời. Cũng phải thôi, vì bố vợ nhỏ hơn con rể đến 3 tuổi.
Vị hôn thê trẻ trung của chàng bác sĩ phong độ cũng đi theo chồng ra hội ngộ với chúng tôi tại Tiên Tửu Quán. Mặc dù câu chuyện rất rôm rả nhưng Hải Anh vẫn không quên cầm ly bia đưa lên tận miệng cho vợ mới và luôn tay gắp thức ăn cũng đưa lên tận miệng cho cô. Chết, chết thật rồi, chết như rạ em ơi. Không biết đến hôm nào tôi lại được chứng kiến điệp khúc: đưa dâu về nhà trọ và không có tình yêu nữa đây?
Bẵng đã 10 năm trôi qua, tôi không gặp bác sĩ Hải Anh. Nghe nói anh và vợ trẻ về miền Tây lập nghiệp. Hải Anh lẳng lặng lên đường mà không nhắn nhủ gì cho tôi. Cũng mong cho bạn dừng lại ở hôn nhân lần thứ tư với cô vợ trẻ đẹp mà anh tỏ ra chiều chuộng… Hải Anh là bác sĩ chuyên môn sẽ khá dễ dàng tìm một việc làm ở bệnh viện huyện, tỉnh gì đó.
Trên chuyến xe trở về sau khi đi khám bệnh từ thiện ở một vùng quê, anh lái xe chợt nhắc đến bác sĩ Hải Anh: “Hình như bác sĩ Hải Anh ở vùng này”. Tôi nói với anh lái xe kiếm chỗ ăn uống, cho mọi người xả hơi sau mấy ngày làm việc vất vả. Linh tính như mách bảo tôi điều gì.
Chúng tôi dừng lại vào một quán ăn sân vườn ven lộ. Một bé trai thơ thẩn trong quán trông quen quen. Tôi dần cảm thấy mình đang linh tính điều gì rồi. Khi cô chủ quán ra đón khách nhìn tôi chằm chằm, tôi hỏi: “Vợ Hải Anh à?”.
Cô chủ quán: “Trời lâu lắm mới gặp lại bác sĩ. Em nhớ bác sĩ vì bác sĩ là một trong số ít bạn của ông xã em”. Tôi hỏi: “Hải Anh đâu?”. Cô chủ quán cho biết Hải Anh vừa đi xa, nói một vài tháng sau mới về.
Cô vợ thứ tư dần cũng nhận ra đức tính của anh chồng bác sĩ hào hoa hay thay lòng đổi dạ và quyết tâm giữ anh cho bằng được. Cô không muốn đứa con mình ra đời lại thiếu cha. Có bầu, cô nói với chồng về quê miền Tây của mình ruộng đồng mênh mông, lại đang thiếu bác sĩ để quyết thuyết phục chồng về quê vợ lập nghiệp.
Hải Anh ngẫm nghĩ về mấy cô vợ cũ, mấy đứa con phải xa ba nó khi còn nhỏ dại, về tương lai phòng trọ dài dài… Khăn gói cùng vợ về quê, Hải Anh mở một phòng mạch, vợ mở quán nhậu bình dân. Phòng mạch của anh ngày càng đông khách, cơ ngơi hai vợ chồng ngày càng khang trang. Họ có với nhau 2 đứa con nay đã học tiểu học…
Một hôm, Hải Anh ngẫm nghĩ nói với vợ là muốn tìm những đứa con mà mình bỏ rơi. Trước đó, anh đóng cửa phòng mạch rồi ngồi lỳ trong đó cả tuần. Vợ anh nước mắt vắn dài mấy ngày rồi cũng gật đầu. “Thằng nhỏ kia là con của vợ đầu tiên của ảnh đó!” - vợ Hải Anh chỉ tay vào đứa bé.
Cô cười: “Ảnh mới đưa được một đứa về thôi còn hai đứa nữa. Nghe nói ba bà kia cũng đã có chồng mới rồi. Thằng bé được mẹ nó đưa đến nhà ba đẻ chơi mấy ngày rồi về ”. Cô gọi: “Lại đây chào bác đi con!”.
Trời miền Tây nắng rực, ánh sáng chiều muộn chan hòa rặng cây. Tôi nhìn ra xa, không biết Hải Anh đã lần tìm được vợ và người con thứ hai chưa?.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-dam-cuoi-lan-thu-tu-350845.html