Đám cưới phá cách: Trân trọng tư duy mới mẻ của người trẻ
Thay tiền mừng bằng sách, thay cắt bánh kem bằng vun trồng cây xanh, không bia, rượu..., là điều mà người ta chứng kiến tại đám cưới của một số người trẻ trong thời gian qua.
Khuyến khích những giá trị nhân văn
Mới đây, trong đám cưới của MC Liêu Hà Trinh, nhiều người đã bất ngờ trước một nghi thức hoàn toàn mới được nữ MC xinh đẹp tiến hành trong buổi lễ: Thay vì hai vợ chồng cùng nhau cắt bánh kem như mọi đám cưới truyền thống khác, cô dâu, chú rể vun trồng một cây con trước mắt khách khứa tham dự. Ẩn ý của nghi thức này là mong muốn hôn nhân được vun đắp và tươi tốt từng ngày.
Liêu Hà Trinh cũng đã bày tỏ lý do lựa chọn của mình: “Mỗi vị khách, người bạn hay đồng nghiệp xuất hiện trong đám cưới của Trinh cũng như một cái cây nhỏ để tạo ra khu rừng lớn. Để một khu rừng phát triển khỏe mạnh thì từng cá thể cũng phải vững chắc, tươi xanh. Tình yêu của Trinh - Khoa cũng thành hình như một cái cây nhỏ giữa cánh rừng, sẽ từng ngày lớn lên và được bao bọc bởi tình yêu, sự che chở của những tán cây khác”.
Không gian tiệc cưới cũng được trang trí như một cánh rừng xinh đẹp với nhiều cây xanh, điều này cũng nằm trong ẩn ý của cô dâu như Liêu Hà Trinh đã chia sẻ. Đám cưới thú vị này đến nay vẫn là đề tài bán tán của dư luận và nhận nhiều đồng tình về một nghi thức có phần mới lạ, phá cách nhưng rất ý nghĩa. Nhiều người cho rằng, hành động trồng cây xanh của cô dâu, chú rể vô cùng sáng tạo và nhân văn, không những thể hiện cho tình yêu lứa đôi mà còn mang ý nghĩa tích cực đến môi trường.
Cách đây ít lâu, một đám cưới khác cũng được cộng đồng xôn xao chia sẻ, bởi một “quy định” mà cô dâu, chú rể đặt ra cho quan khách: Chỉ nhận sách, không nhận tiền mừng. Chú rể của đám cưới đặc biệt này là Nguyễn Tú Anh, trưởng nhóm Chủ nhật yêu thương, người khởi xướng chương trình “1.001 thư viện bản xa”. Và như vậy, số sách nhận được cũng không phải thuộc về đôi vợ chồng mới cưới, mà trở thành “tài sản” của thư viện bản xa.
Đám cưới được diễn ra tại Đường sách TP HCM, bạn bè đến tham dự tấp nập, khệ nệ ôm theo sách. Cũng có người đến nơi dắt cô dâu, chú rể đi chọn sách tại cửa hàng trong đường sách, rồi thanh toán tiền tại chỗ. Thậm chí có cả những người không quen, khách không mời tình cờ biết mua sách đến mừng hoặc gửi qua bưu điện.
Chú rể Tú Anh đã chia sẻ rằng, đây đúng là đám cưới mà anh từng mơ ước. Đám cưới không có những lễ nghi rước dâu rườm rà từ tỉnh này sang tỉnh khác, không tốn kém tiền bạc vào các hình thức bên ngoài mà còn làm được điều có ý nghĩa cho cộng đồng.
Hay như đám cưới “đặc biệt” của đôi bạn trẻ Lâm Tuấn Anh (25 tuổi) và Mỹ Loan (20 tuổi), ngụ Bình Phước, được mệnh danh là đám cưới tiên phong “nói không với bia, rượu”.
Trong toàn bộ tiệc cưới, rượu đã được thay thế bằng trà, nước ngọt, nước suối đóng chai. Ngay cả màn khui rượu sâm panh cũng được đôi vợ chồng trẻ này thay bằng những ly trà. Quan khách đến tham dự, dẫu có người “năn nỉ” thì cũng chẳng có chai bia, chén rượu nào được đưa ra. Hơn 30 bàn tiệc, xấp xỉ 300 khách mời, dẫu không có rượu, bia, không khí vẫn rôm rả, vẫn những tiếng chạm ly, tiếng chúc tụng náo nức, vui đâu kém gì có men.
Theo chú rể Lâm Tuấn Anh, chuyện sử dụng bia, rượu làm đồ uống chính trong tiệc cưới đã trở thành luật bất thành văn ở khắp mọi miền đất nước. Vui một chút nhưng sau đó bao hệ lụy xảy ra như mâu thuẫn trong lời nói dẫn đến ẩu đả, tai nạn thương tâm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Tuấn Anh mong muốn đám cưới của mình là một ngày vui trọn vẹn, không để bia, rượu gây ra những điều đáng buồn. Đồng thời, đôi bạn trẻ cũng mong muốn góp phần hạn chế, thay đổi những thói quen thiếu văn minh trong đám cưới từ xưa đến nay.
Đám cưới cũng được chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ, khuyến khích vì ý nghĩa tốt đẹp, đóng góp vào việc gìn giữ trật tự, an ninh.
Còn có đám cưới của Thu Trang (sinh năm 1994, TP HCM) và Bảo Linh (sinh năm 1993, Lạng Sơn). Đám cưới diễn ra ở Hội An, tại xưởng tre - nơi chú rể làm việc.
Bữa tiệc chỉ có hơn 30 người là bạn bè thân thiết của cô dâu, chú rể và khách mời cũng được báo trước là không nhận tiền mừng... Trong đám cưới, chú rể trao cho cô dâu chiếc nhẫn làm bằng tre tự làm. Sự giản dị, đơn sơ ấy lại khiến nhiều khách tham gia cảm động vô cùng.
Bước qua rào cản
Tất nhiên, để có được một đám cưới “kiểu mới”, thay đổi nhiều nghi thức hoặc thậm chí xóa bỏ cả nghi thức cũ đã tồn tại như một phong tục, thói quen là chuyện không hề dễ dàng gì.
Như đám cưới MC Liêu Hà Trinh, mặc dù nghi thức trồng cây là hết sức ý nghĩa, thế nhưng bên cạnh những lời động viên, khuyến khích, chúc mừng, đôi vợ chồng trẻ cũng đối diện không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người lại đặt ra băn khoăn rằng nghi thức bánh kem là ngụ ý “chia ngọt, sẻ bùi” của vợ chồng, nếu thay bằng trồng cây thì có nên hay không, khi mà việc vun trồng cây cũng chứa yếu tố rủi ro. Có người còn cho rằng, nghi thức đám cưới từ xưa đến thay thế nào thì nên giữ nguyên thế ấy cho “an toàn”.
Từ xưa đến nay, hình thức đám cưới vốn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Có không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam ta hiện nay đang phổ biến những hình thức đám cưới rườm rà, xa hoa, lãng phí. Đám cưới cũng mang nhiều thói quen gây mệt mỏi, kém thoải mái cho cả quan khách lẫn người tham dự như việc MC nói quá nhiều, âm thanh quá ồn ào... Tuy nhiên, nếu như người trẻ có mong muốn được đổi thay, thì cũng lại vấp phải không ít phản đối, chỉ trích.
Như bạn Lê Kim Hoa, 27 tuổi, nhân viên một công ty kĩ thuật điện, sống tại quận Bình Thạnh, TP HCM chia sẻ, ban đầu, bạn và chồng sắp cưới dự định tổ chức một tiệc cưới thật giản dị và ấm cúng, chỉ có tầm 50 - 70 khách mời, trong một không gian nhỏ trang trí xinh xắn, giản lược các màn như MC, vũ công, trang trí rườm rà...
Tuy nhiên, đến khi bàn với hai bên gia đình, cả hai nhận được sự phản đối quyết liệt, nào là còn có bà con họ hàng từ khắp nơi trên cả nước, nào là bạn bè của bố, của mẹ, bạn bè của các anh chị em trong nhà. Rồi thậm chí “trước đến nay đi đám cưới nhiều rồi, nay là dịp để họ trả nợ ân nghĩa chứ”. Đủ các lý do khiến hai bên gia đình nhất quyết không đồng ý khiến Hoa và chồng không thể tổ chức một đám cưới giản dị ý nghĩa như họ mong muốn, sau đó đành để cho người nhà “muốn làm gì thì làm” với đám cưới của chính mình.
Hay như đám cưới “không bia rượu”. Sau đám cưới của hai bạn trẻ ở Bình Phước, nhiều cặp đôi trẻ sắp cưới cũng đã nghĩ đến chuyện bỏ bia, rượu ra khỏi đám cưới của mình. Nhưng nói thì dễ, mà làm thì khó. Họ cũng vấp phải đủ thứ rào cản từ cha mẹ, họ hàng. Đặc biệt là tại các thành phố lớn, đặt nhà hàng tiệc cưới mà không có bia, rượu thì cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Như Nguyễn Trúc Nhân, 30 tuổi, ngụ Tân Phú, TP HCM chia sẻ: “Mình có biết bao dự định cho đám cưới của mình. Nào là thật đơn giản, không ồn ào, không nhiều nghi thức, ít khách khứa. Nào là không bia, rượu, không nhận tiền mừng. Thế nhưng, gia đình mình và gia đình vợ đều phản đối. Tụi mình cố gắng thuyết phục, thậm chí còn dời ngày cưới để gây áp lực với hai bên gia đình, nhưng rồi cũng chỉ đạt được 30% so với mong muốn.
Việc cắt bia, rượu, mời ít khách khứa vẫn không thực hiện được. Thế nên, mình rất nể phục những bạn trẻ có thể tổ chức được tiệc cưới kiểu mới như mong muốn. Bởi, rào cản lớn nhất của sự thay đổi chính là người thân, mẹ cha mình. Ngày cưới mà lại làm cho cha mẹ, người thân muộn phiền, gia đình mâu thuẫn cũng không nên, nên đành thỏa hiệp thôi”.
Có thể thấy, để có được sự đổi thay tích cực, để có được những đám cưới phá cách thật không dễ dàng, đòi hỏi người trẻ không chỉ có tư duy mới, có sự sáng tạo mà còn phải dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt còn cần cả kĩ năng thuyết phục người thân của chính mình. Cạnh đó, dù là “phá cách”, nhưng các đôi bạn trẻ cũng cần phải tôn trọng những nét đẹp của nghi lễ cưới, để không là mất đi nền tảng truyền thống tốt đẹp, gây phản cảm.
Dẫu có khó đến mấy, đã có bước đi đầu tiên, chắc hẳn sẽ có những bước chân mạnh mẽ bước tiếp. Những đám cưới mới mẻ và ý nghĩa này sẽ là tiền đề cho sự thay đổi về sau, để ngày càng có nhiều đám cưới ít đi hủ tục, văn minh hơn, ý nghĩa hơn.