Đám cưới qua điện thoại của nữ điều dưỡng Hà Nội tại BV dã chiến TP.HCM
Rời Hà Nội, cô gái 24 tuổi bịn rịn chia tay chồng sắp cưới vào TP.HCM chống dịch, và hôm nay, đám cưới đặc biệt của cô diễn ra qua màn hình điện thoại...
"Tụi em có cái áo dài nào không, cho chị mượn với. Cả khăn cô dâu nữa thì càng tốt", đây là lời ngỏ ý của một nữ bác sĩ trung niên ở Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM) với chúng tôi cách đây hai ngày. Và rồi, chiếc áo dài đi mượn và chiếc khăn đội đầu của cô dâu đưa chúng tôi tới câu chuyện với cái kết nhẹ nhàng của tình yêu giữa mùa dịch.
Phải nói trước, món "đồ đi mượn" nói trên chẳng phải là cho nữ bác sĩ trung niên kể trên. Chị mượn giúp Ngọc Diệp, nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai. Cách đây 2 tháng, khi TP.HCM cần "chia lửa" để dập dịch COVID-19, Ngọc Diệp không ngần ngại xung phong lên đường.
Không chỉ chia tay gia đình, cô gái còn phải tạm biệt người đàn ông cô yêu và đã định sẵn ngày cưới. Trước khi đi, Diệp không quên trấn an gia đình và hôn phu: "TP.HCM sẽ sớm ổn thôi, em sẽ về kịp ngày cưới...".
Tuy nhiên, đến nay đã 2 tháng, vào đúng ngày cưới đã được định sẵn, Diệp vẫn chưa thể rời Sài Gòn mà về. Diệp nghĩ, đám cưới ở Hà Nội cần cô, chú rể Quang Huy cần cô, nhưng người Sài Gòn cần cô hơn.
Bốn ngày trước, sau ca trực, các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến 16 vô tình bắt gặp Diệp đang "lén lút" gọi điện thoại trong góc nhà kho. Tới gần để đùa, họ bất ngờ khi thấy trên màn hình là bàn tiệc, mâm cỗ, với đông người ăn mặc chỉnh tề.
Hỏi ra mới biết, Diệp đang "cầu truyền hình" trực tiếp tới đám hỏi của chính mình. Thế rồi, chẳng ai bảo ai, mọi người đều chúc phúc cho cô. Lặng đi vài giây, trong lòng mỗi người đều giữ lấy một góc thương yêu và trân trọng cô gái trẻ.
Sau màn đám hỏi đặc biệt ấy và biết được đám cưới của Diệp cũng sẽ phải diễn ra sau đó vài ngày, các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 16 bắt đầu lên kế hoạch tổ chức. Vì lý do dịch bệnh, ban đầu mọi người chỉ mong sao tìm được giúp Diệp một bộ áo dài và chiếc khăn đội đầu cho ngày trọng đại được tươm tất nhất có thể. Chẳng ai nghĩ rằng, khi biết được câu chuyện của Diệp, mọi người đều nóng lòng giúp đỡ.
"Cả hai bên gia đình Diệp đều là người Bắc, chuyện cưới xin luôn phải theo đúng ngày, nên khó dời. Ai cũng hiểu vậy, nên tất cả đều cố gắng hết sức để chuẩn bị cho Diệp một đám cưới online nhưng chỉn chu nhất", một bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 16 nói.
Sau khi được chị nhờ mượn áo dài, chúng tôi âm thầm tìm cách giúp để có một chiếc áo dài thật đẹp, một bó hoa thật xinh, và những mâm bánh chỉn chu.
Chúng tôi lên kế hoạch, tự nhủ sẽ tìm thuê hoặc mua bằng được những thứ này, vì đây là cách động viên duy nhất để giúp Diệp không cảm thấy cô đơn khi đến ngày trọng đại của cuộc đời mà không có lấy một người thân bên cạnh.
Điều bất ngờ là, mọi thứ trên chúng tôi đều tìm được, nhưng tất cả đều được miễn phí khi chủ cửa hàng nghe câu chuyện của Diệp. Thế mới thấy, người Sài Gòn ở giữa tâm dịch dù khó khăn mà vẫn hào sảng, thắm tình.
Sáng nay, chúng tôi mang theo tất cả đến gặp Diệp tại Bệnh viện dã chiến số 16. Điều bất ngờ này làm cô òa khóc. Bởi trong suy nghĩ của Diệp, đám cưới hôm nay sẽ chẳng khác gì đám hỏi cách đây 4 hôm - vẫn là bộ đồ bảo hộ và vẫn là góc tối trong nhà kho. Vì vậy, món quà bất ngờ này làm cô xúc động.
Biết câu chuyện của Diệp, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đề nghị được tham gia đám cưới online. Thế rồi, một đám cưới đặc biệt diễn ra, những người cạnh bên cô dâu đều xa lạ, còn những người thân thiết lại ở trong màn hình.
Diệp nói với chúng tôi, đây là niềm vui đặc biệt của cuộc đời cô. Nếu như không rời Hà Nội, cô vẫn sẽ có một đám cưới nhẹ nhàng, bình thường như các cặp đôi khác. Nhưng hôm nay cô thật may mắn, bởi đám cưới diễn ra là sự kết tinh trọn vẹn tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ của những người xa lạ.
Trong ánh mắt Ngọc Diệp, chúng tôi thấy được niềm hạnh phúc, mãn nguyện của cô. Và qua màn hình điện thoại, chúng tôi cũng thấy được sự ấm áp mà hai họ dành cho cô gái kiên cường này...