Đậm đà bản sắc văn hóa vùng ven biển

Hát múa bả trạo là loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian có từ lâu đời ở vùng đất Quảng Nam, mang tính lễ nghi tái hiện trong Lễ hội cầu ngư của những người làm nghề sông nước đối với biển cả nói chung và với cá Ông nói riêng... Với những giá trị đó, ngày 9-9-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL công nhận hát múa bả trạo ở tỉnh Quảng Nam là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngư dân làng chài Bãi Hương, xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) trong Lễ hội cầu ngư tại Lăng Ông vào tháng 2 - 2011.

Ngư dân làng chài Bãi Hương, xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) trong Lễ hội cầu ngư tại Lăng Ông vào tháng 2 - 2011.

Theo những ngư dân cao tuổi vùng biển Quảng Nam am hiểu, thì hát múa bả trạo là một hình thức diễn xướng nghi lễ tổng hợp, gồm: Các yếu tố múa và hát với mô hình một chiếc thuyền rồng được trang trí rực rỡ bởi cờ hội và cờ đuôi nheo, đạo cụ là mái chèo tập thể trên cạn. Bả có nghĩa là bạn, trạo có nghĩa là chèo, bả trạo có nghĩa là bạn chèo. Hay bả tức là cầm chắc, còn trạo có nghĩa là mái chèo và bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo để vươn ghe thuyền ra khơi... ca ngợi và bày tỏ niềm tiếc thương đối với cá Ông.

"... Ơn ngài như biển rộng trời cao

Chúng con ghi tâm tạc dạ

Đời nào lãng quên"!

Dẫn đầu đoàn chèo hát bả trạo trên chiếc thuyền rồng là Tổng Mũi, tiếp đến là Tổng Khoang và Tổng Lái sau cùng. Còn bạn chèo thì xếp hai hàng ngay ngắn phía sau Tổng Mũi. Sau khi hàng ngũ đã chỉnh tề, vị chủ xướng ra lệnh thì tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn rã, báo hiệu cuộc diễn xướng bắt đầu.

"Hôm nay là ngày Lễ Ông cuối vụ

Con cháu ta tụ họp về đây

Chỉnh đốn xiêm y trang phục đủ đầy

Để tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải... đó nghe" - "Dạ".

Các bạn chèo làm động tác khua mái chèo. Tất cả mọi hành động diễn ra rất nhịp nhàng, sống động và đẹp mắt.

"... Neo đồm kia đã lên ngọn thì chèo nọ ta gay

Anh em ta hợp sức đều tay

Thấy sóng cả chớ ngả tay chèo đó nghe..." - "Dạ".

Người xem phía dưới cũng nhiệt tình tán thưởng và hưởng ứng mỗi khi đến đoạn đồng thanh như: "Dạ", "ô hô hô", "ri hố rị"... làm cho cả một vùng bãi biển hết sức tưng bừng, rộn ràng với những tiếng đồng thanh vang lên như sóng dội.
Có thể nói, hình thức diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam luôn gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, tuy mang màu sắc đượm buồn, bi ai, nhưng không hề bi lụy. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng, ta cũng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống, yêu nghề của ngư dân vùng biển mặc dầu mỗi chuyến ra khơi, họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rủi ro như sóng to gió lớn, bão bùng...

Hát múa bả trạo trong Lễ hội cầu ngư không những đáp ứng một phần nào về đời sống tâm linh của ngư dân, mà còn là nơi chuyển tải, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống qua phương thức diễn xướng dân gian nhằm giáo dục, hướng đích cho sự phát triển của từng con người và cả cộng đồng luôn hướng tới cái tốt đẹp vĩnh hằng. Đến nay, có thể khẳng định rằng, Lễ hội cầu ngư ở Quảng Nam là một hình thức diễn xướng dân gian hết sức độc đáo và đặc sắc, thể hiện ước vọng an lành, may mắn trong những chuyến giong buồm ra khơi, đi tìm những nguồn tôm cá; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động, sản xuất của ngư dân vùng sông nước.

Mong rằng, hát múa bả trạo trong Lễ hội cầu ngư trường tồn mãi với thời gian, với người dân miền biển Quảng Nam.

Sơn Gia Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dam-da-ban-sac-van-hoa-vung-ven-bien/